Vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, kéo theo hàng loạt quan chức nhúng chàm đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Liên tục trong thời gian gần đây, giám đốc trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) các địa phương, lãnh đạo các sở y tế, bệnh viện xộ khám. Trước khi thành bị can, họ luôn khẳng định "không nhận một đồng nào của Việt Á" nhưng sự thật thì lòi ra nhận hối lộ cả trăm triệu, tỉ đồng!
Mới đây nhất, Thanh tra tỉnh Hà Giang kết luận Giám đốc CDC Hà Giang Nguyễn Trần Tuấn và 2 thuộc cấp đã nhận 770 triệu đồng của Công ty Việt Á khi thực hiện 4 gói thầu cung cấp sản phẩm phòng chống dịch Covid-19. Công an tỉnh Hà Giang đã tạm giữ toàn bộ số tiền 770 triệu đồng để phục vụ công tác điều tra.
Chưa hết, Thanh tra tỉnh Hà Giang còn xác định CDC Hà Giang có những chiêu trò khác, như ứng trước hơn 77.000 test của Công ty Việt Á và ứng 22.900 test nhanh của Công ty TNHH liên hợp Dược Hà Giang để phục vụ công tác chống dịch. Sau đó, các đơn vị thực hiện đấu thầu để hoàn trả lại đối tác. Tuy nhiên, qua kiểm tra các gói thầu, Thanh tra tỉnh Hà Giang nhận thấy thực tế sổ sách thì toàn bộ số kit/test lại được CDC Hà Giang nhập của Công ty Việt Á.
Giám đốc CDC Hà Giang Nguyễn Trần Tuấn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Hà Giang - Ảnh: Sở Y tế Hà Giang.
Như vậy có thể thấy, Công ty Việt Á không chỉ dùng 770 triệu đồng đó để "bôi trơn" các gói thầu này, mà có thể còn nhiều hơn nữa! Bằng chứng là Thanh tra tỉnh xác định tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra là gần 4,6 tỉ đồng. Thanh tra tỉnh yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Bắc Quang, Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện thu hồi, nộp ngân sách nhà nước số tiền trên để xử lý.
Đâu phải sau Nam Định, Phú Thọ, Bình Phước, Bắc Giang, Hải Dương, Cà Mau… là hết. Công ty Việt Á đã bán sản phẩm của mình cho 62 tỉnh, thành phố thì không ít thì nhiều, thậm chí rất nhiều tiền đã chi ra để "bôi trơn".
Thực tế, theo cơ quan điều tra, bị can Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á (đã bị bắt), khai rằng đã tổ chức móc ngoặc với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi "hoa hồng" cho các đối tác khoảng 800 tỉ đồng.
Kết quả điều tra đến nay xác định doanh thu bán kit xét nghiệm cho các tỉnh, thành gần 4.000 tỉ đồng và riêng Công ty Việt Á thu về trong vụ này trên 500 tỉ đồng. Nhiều bị can trong vụ án này như ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, nhận đến 27 tỉ đồng; hay đối tác phân phối cho sản phẩm của Việt Á tại Bắc Giang nhận hơn 44 tỉ đồng...
Phan Quốc Việt, nguyên Tổng giám đốc Công ty Việt Á và một số quan chức vi phạm
Thành ngữ "cháy nhà lòi mặt chuột" rất chính xác với vụ án Việt Á khi càng mở rộng điều tra, cơ quan công an càng phát hiện ra nhiều cán bộ vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi. Nếu không có sự tiếp tay từ một số cơ quan nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Học viện Quân y… thì làm sao Việt Á - một công ty không lớn, thậm chí có thể nói là nhỏ, lại có thể tiếp cận các cơ quan quản lý y tế 62 tỉnh thành trong cả nước!
Đến nay, các cơ quan tố tụng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Công an các địa phương đã khởi tố 6 vụ án hình sự và bắt giữ 33 bị can có liên quan đến Việt Á. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vụ Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo, cho thấy vụ Việt Á rất lớn, có thể nói là vượt ra ngoài tầm lợi ích nhóm.
Có một câu hỏi đặt ra: Vì sao trong cơn đại dịch Covid-19, nhiều người trong "giới tinh hoa" ngành y lại vướng vào vòng lao lý nhiều như vậy? Trả lời câu hỏi này phải trong một bài báo khác.
Ở đây, là những bài học đạo đức, y đức đau lòng. Tất cả họ phải trả giá vì để đồng tiền che khuất mọi điều tốt đẹp của y đức, đạo đức nghề nghiệp. Họ để y đức lăn trên những đồng tiền tội lỗi.
Họ phải trả giá bao nhiêu mới đủ?!
Bình luận (0)