Dự luật này gây "bão" bởi có điều khoản cho phép người nước ngoài thuê đất ở 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đến 99 năm.
Khi thảo luận tại diễn đàn QH, đã có nhiều đại biểu rất băn khoăn về điều khoản này. Có người nói rằng những đại biểu dân cử hôm nay làm gì có quyền để quyết đại sự cho 2-3 thế hệ sau, trong 99 năm ấy, sẽ mấy ai ngồi đây còn sống để mà tính chuyện đúng - sai, để mà chịu trách nhiệm? Có người thẳng thắn bảo đó chẳng khác nào "nhượng địa" cho nước ngoài. Cụ thể hơn là, người nước ngoài được quyền tạo dựng cơ sở hạ tầng rồi di dân đến ở, xấp xỉ cả 100 năm, đất ấy là của họ, kèm theo đó là vấn đề về chính trị và quốc phòng - an ninh. "Nuôi ong tay áo" như thế, khi hữu sự thì nước xa làm sao cứu được lửa gần? Đó là chưa kể chủ quyền biển đảo và biên giới luôn được đặt trong tình trạng cảnh giới cao độ.
Tâm trạng ấy của một số ĐBQH cũng chính là nỗi lo của cử tri những ngày qua. Quốc hội là cơ quan dân cử, tiếng dân đã vọng tới nghị trường và đang mong mỏi được lắng nghe.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên tiếng trấn an nhưng chưa thể làm yên lòng cử tri. Không ai đi ngược lại chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, cho dù hiệu quả của nó còn ở thì tương lai, chưa biết sẽ ra sao. Nhưng rõ ràng, nỗi lo về quốc phòng, an ninh - hay nói cách khác là sự an nguy quốc gia, từ những nguy cơ tiềm tàng do các cơ chế ưu đãi cho những đặc khu mang tới - là rất hiện thực, chính đáng và cần được quan tâm sâu sắc. Nhiều giới, ngành, tổ chức xã hội, cá nhân có tầm ảnh hưởng... đã lên tiếng, tỏ bày sự lo lắng, đề nghị những người có trách nhiệm cân nhắc kỹ càng; kiến nghị cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất (là QH) xem xét, tạm dừng việc thông qua dự Luật Đặc khu.
Đó chính là những tiếng nói có trách nhiệm, tâm huyết với đất nước, quốc gia và dân tộc. QH là cơ quan đại biểu của dân, nói tiếng nói của dân, đi cùng chí hướng của dân, vì thế khi đã đo được lòng dân rồi thì có lẽ nào lại quyết định khác?
Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là những vị trí trọng yếu về địa - chính trị. Đối với ngoại bang, đấy đều là những "bờ xôi ruộng mật". Đừng xem điều khoản ưu đãi về thời hạn cho thuê đất là chuyện nhỏ. Một con tàu to lớn vẫn có thể chìm bởi một lỗ rò nước bằng đầu ngón tay! Và về hiệu quả kinh tế, cũng xin đừng chủ quan. Bài học về 2 dự án bô-xít Tây Nguyên đến nay dẫu chưa được tổng kết song số liệu chứng minh về sự kém hiệu quả đã có: đội vốn liên tục "tỉ, tỉ" và nay đã lỗ hàng ngàn tỉ đồng.
Có nhiều thứ có thể rút kinh nghiệm sau khi sai lầm song cũng có một ít trường hợp sau khi sai lầm thì không còn cơ hội để rút kinh nghiệm. Cho nhà đầu tư (nước ngoài) thuê đất 99 năm, sau chừng ấy thời gian, còn ai để rút kinh nghiệm, còn gì để rút kinh nghiệm và "kinh nghiệm" lúc ấy thì có ích gì...?
Bình luận (0)