Ông Bùi Minh Lý là Bí thư Đoàn Thanh niên, ấp đội trưởng ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vô cớ bị bắt, kết án oan vì nghi thực hiện hành vi cướp giật tài sản dù chẳng có bằng chứng gì.
Sau 54 tháng bị "oan sai khốn khổ, phẫn uất cùng cực", cuối cùng, ông Bùi Minh Lý được minh oan khi Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đình chỉ điều tra vì không chứng minh được ông Lý thực hiện tội phạm.
Ông Bùi Minh Lý đã được TAND quận Bình Thạnh xin lỗi công khai sau nhiều năm bị bắt oan
54 tháng trước đó, chính người bị bắt đã gào thét trong tuyệt vọng vì bị vu oan. Dù không có chứng cứ gì nhưng các cơ quan tố tụng phán "có tội" và tống vô trại giam, bất chấp việc xâm phạm đến quyền tự do, danh dự, uy tín của người vô tội.
Không chỉ người bị kết án oan bị xâm phạm mà đằng sau họ là gia đình, dòng họ cũng bị vạ lây. Chúng ta đã từng chứng kiến biết bao cảnh oan trái, nhà tan cửa nát khi trong gia đình, dòng họ có người bị án oan.
Điều đáng nói là vụ án oan này xảy ra sau khi Hiến pháp 2013 được Quốc hội ban hành. Khoản 1, điều 31 Hiến pháp 2013 đã hiến định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật".
Tinh thần này được cụ thể hóa tại điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, đó là nguyên tắc "Suy đoán vô tội": "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội".
Điều này cho thấy tinh thần của Hiến pháp và nguyên tắc "Suy đoán vô tội" đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng quận Bình Thạnh thẩm thấu. Không chỉ trái với tinh thần Hiến pháp, BLTTHS 2015 mà cơ quan và người gây oan sai cho ông Lý còn đi ngược với quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp.
Gần 20 năm trước, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về "Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" được ban hành, như một làn gió mới thổi vào đời sống tố tụng hình sự Việt Nam trong bối cảnh các cơ quan tố tụng vẫn buộc tội theo kiểu "án tại hồ sơ". Liên tiếp những "phiên tòa mẫu" được mở và kết quả tranh tụng tại phiên tòa là căn cứ để tòa án ra bản án.
Tiếp đến, ngày 2-6-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW "Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", nhiều người bị oan đã được minh oan (Huỳnh Văn Nén, Phạm Thị Út, Nguyễn Thanh Chấn…).
Với chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, quan điểm, nhận thức của người tiến hành tố tụng hình sự mà nhất là tòa án đã có sự chuyển biến, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng "án tại hồ sơ". Không phải tự nhiên mà nguyên tắc "Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm", trong đó có nội dung hết sức quan trọng "Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa" được đưa vào điều 26 BLTTHS 2015. Đây là thành quả của sự đổi mới về tư duy, nhận thức của các nhà làm luật của Quốc hội được cụ thể hóa vào BLTTHS 2015.
Rất tiếc, với rất nhiều quy định mới, quan điểm mới, tiến bộ đã bị xâm phạm bởi những người được giao trọng trách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong hoạt động tố tụng hình sự.
Trong đó, đáng trách nhất là những người ngồi xét xử.
Trong vụ ông Lý bị oan, lỗi của tòa án là nặng nhất bởi đây là cơ quan được giao nhiệm vụ "bảo vệ công lý". Giả sử các cơ quan tố tụng trước đó có khởi tố, truy tố không đúng thì tòa án sẽ là cơ quan để minh oan cho người vô tội.
Thế nhưng, trong vụ án ông Bùi Minh Lý bị bắt, khởi tố, truy tố và xét xử oan, ngay từ đầu đã kêu oan. Tiếng kêu oan của ông Lý lọt thỏm giữa những tư duy tố tụng định kiến "bị bắt là có tội" – một tư duy theo kiểu suy đoán buộc tội.
Chúng ta đã nói nhiều về những hậu quả nặng nề của việc gây oan sai cho người vô tội. Nhưng những người gây oan sai chỉ mới dừng lại ở việc bị xử lý kỷ luật nội bộ, chỉ một vài trường hợp bị xét xử về nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Nói thẳng, điều này là không sòng phẳng với người bị buộc tội oan. Với hậu quả mà họ để lại, phải xử lý buộc thôi việc và xem xét trách nhiệm hình sự thì mới công bằng.
Để không còn những vụ án oan như trường hợp công dân Bùi Minh Lý, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long…, cần phải chế tài hình sự đối với những người gây oan sai. Có như thế thì những người được giao làm nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng hình sự mới thận trọng trước những lời kêu oan của người bị buộc tội.
Bình luận (0)