Sự việc đang gây tranh cãi, đến mức có khả năng ảnh hưởng đến uy tín môi trường văn hóa, du lịch của địa phương.
Các tuyến đường dẫn vào khu chánh điện Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam đều kẹt cứng trong ngày mùng 4 Tết (8-2) Ảnh: THANH VÂN
Nói cho ngay thì cũng không riêng gì địa chỉ này, hầu như khắp các điểm thờ tự lớn nhỏ có đông người thăm viếng ở An Giang nói riêng và cả nước nói chung đều chăm chú cái thùng gỗ có khe đút tiền.
Trong không khí nghi ngút khói hương và tràn ngập niềm sùng kính, thùng công đức được đặt trang trọng ngay cạnh bát nhang như một lời mời gọi khó từ chối. Thông thường khách sẽ bỏ vào "chút đỉnh" trước hoặc sau khi thắp nhang cầu nguyện. "Chút đỉnh" của mỗi người trong số hàng chục ngàn người tạo nên những thùng tiền "Thạch Sanh" không bao giờ vơi, với con số tiền tỉ trút vào lấy ra mỗi ngày.
Thu nhập khủng từ hòm công đức đã tạo ra sự cạnh tranh quyền sở hữu, kiểm soát, quản lý ngay trong cơ sở tôn giáo và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này cho thấy có nhiều đối tượng chăm bẵm trục lợi sự sùng tín của người dân.
Tiền bạc trở thành yếu tố chi phối, gây hoen ố hình ảnh tôn nghiêm ở các địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh còn có vô số các trò khác. Tại chân Núi Sam (Châu Đốc, An Giang) những ngày này, một số người dân địa phương đã xông ra mồi chài khách thập phương bằng rất nhiều dịch vụ. Để đến được với Chùa Bà và Núi Sam, khách phải đi một đường vòng để bắt buộc phải mua vé qua trạm thu phí.
Vào trong một chút, đậu xe bất cứ vị trí nào cũng có người thu tiền giữ xe. Gửi xe 50.000 đồng. Gửi xe có đi vệ sinh 70.000 đồng. Gửi xe có đi vệ sinh và nằm võng 120.000 đồng… Rồi thì đủ thứ loại "cò" chân trong chân ngoài chèo kéo khách mua heo quay, thuê đặt heo cúng, mua lộc, cắm nhang hộ, xin xăm, xem bói, vé số, xe ôm, xe kéo…
Cách Núi Sam vài chục km, ở Núi Cấm cũng nhộn nhạo đủ kiểu kiếm chác. Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng này không còn thanh tịnh như trước kia. Cổng vào dưới chân núi vẫn là trạm thu phí quen thuộc. Ngay phía sau đó, từ chân núi lên tới đỉnh núi có vô số thứ nhắm vào túi tiền du khách.
Với việc cấm mọi loại phương tiện lên núi, công ty du lịch độc quyền vận chuyển và phí giữ xe là miếng bánh còn lại chia đều cho các bãi xe tư nhân.
Trên núi, ngoài hình ảnh nổi bật là 2 ngôi chùa và một tượng Phật Di lặc đồ sộ, gần như mọi khoảng trống đã được ken đặc các hàng quán bán đồ ăn, đồ lưu niệm, chim, cá phóng sinh, thức ăn cho cá. Tiếng người í ới, xe ôm chở khách rú pô, nhấn còi xe inh ỏi lao vút vút chở khách chạy khắp đỉnh núi…
Lễ chùa đầu năm lẽ ra là một nét văn hóa trong trẻo không chút bụi trần. Nhưng giờ đây, dưới sự chi phối của đồng tiền, sự tham lam của các nhóm lợi ích và sự mê muội của rất đông các thành phần dân cư, nhiều chốn tâm linh đã mất đi hình ảnh cao quý và trở nên hỗn tạp như chốn chợ búa, bến tàu.
Thiết nghĩ, liên ngành các cấp nên có trách nhiệm, có biện pháp kịp thời loại bỏ hành vi kiếm chác làm ô uế các điểm du lịch tâm linh trước khi những nơi này trở nên "hư hỏng" đến mức không thể cứu chữa.
Bình luận (0)