Sự cố đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 đang làm dư luận xã hội "sôi" lên.
Khi Báo Người Lao Động vào cuộc phản ánh, các đại biểu quốc hội, một số nhà giáo ngoài phản ứng trước sự lề mề giải quyết vụ việc, họ còn đặt ra hàng loạt vấn đề mà những người có trách nhiệm không thể tiếp tục làm ngơ.
Phải chăng lãnh đạo Bộ GĐ-ĐT biết rồi mà cố tình né tránh, lờ đi vì sợ liên lụy đến trách nhiệm?
Phải chăng lãnh đạo Bộ GD-ĐT không đủ dũng khí để chân thành nhận trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm do thuộc cấp gây nên trong quá trình xây dựng quy trình làm đề thi, thử nghiệm và bảo mật?
Thậm chí, dư luận cũng chẳng ngại ngùng đặt ra những câu hỏi liệu có lợi ích nhóm trong việc để "lọt" bí mật đề thi trắc nghiệm mà hầu như không thể xảy ra trên thực tế khi có đến trên 90% trùng lặp trong nội dung các câu trắc nghiệm?
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được xem là một trong những đột phá đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Thế nhưng, niềm tin của công chúng vào những kỳ thi trung thực, tin cậy, công bằng, chính xác đã bị một bộ phận những người làm công tác quản lý và giáo viên làm xói mòn. Ở đó, Bộ GD-ĐT phải là nơi chịu trách nhiệm cao nhất.
Vậy mà, suốt hơn 5 tháng kể từ khi nhận được kết luận của các chuyên gia và của các cơ quan liên quan, Bộ GD-ĐT chưa có động thái nào công khai trả lời trước dư luận ngoài việc hứa hẹn và "tiếp tục nghiên cứu..." vòng vo.
Bộ GD-ĐT cũng chưa trả lời được có lộ đề thi môn sinh học hay không? Quy trình làm bộ ngân hàng đề thi thế nào? Ai chịu trách nhiệm bảo mật tối cao? Tiền ngân sách hằng năm chi ra dùng vào những việc gì để làm ngân hàng đề thi mà số lượng quá ít, năm nào cũng xảy ra sự cố không ở môn thi này thì ở môn thi khác về phổ điểm?
Cuối cùng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước hàng chục ngàn thí sinh khác không có cơ duyên luyện thi "trúng tủ" đề thi trắc nghiệm của thầy Nghệ?
Nói thẳng, cách tốt nhất để "hạ nhiệt" dư luận xung quanh vụ đề thi là một thái độ nhận trách nhiệm hết sức chân thành và một lời xin lỗi trước dư luận từ lãnh đạo Bộ GD-ĐT!
Ngoài công khai toàn bộ sự việc, nhận trách nhiệm, xử lý cán bộ - giáo viên vi phạm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo xem xét ngay toàn bộ quy trình làm đề thi trắc nghiệm (thiết kế, thử nghiệm, phân tích, hiệu chỉnh, ghép đề, đóng gói…); lựa chọn nhân sự chuyên nghiệp, liêm chính, có trách nhiệm cao để tham gia công tác làm đề thi và bảo mật.
Tầm nhìn xa hơn, Bộ GD-ĐT cần đào tạo một đội ngũ khảo thí chuyên nghiệp, thiết kế cơ chế để cho ra đời các trung tâm khảo thí độc lập, tách quản lý nhà nước ra khỏi công việc mang tính chuyên môn cao.
Phải làm thực chất, đừng để sự thiếu gương mẫu, thiếu tận tụy của một bộ phận cán bộ lãnh đạo ngành mà sự nghiệp đổi mới giáo dục, dạy thật, học thật và thi cử thật vẫn còn là câu cửa miệng, đầu môi!
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục Học mãi (Hà Nội) khiến dư luận xôn xao khi đưa ra bằng chứng cho thấy nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, giống đến trên 80% đề thi chính thức của Bộ GD-ĐT.
Sau đó, ngày 4-8, Bộ GD-ĐT đã thành lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin. Tổ công tác gồm: Bộ GD-ĐT (lãnh đạo các cục, vụ, thanh tra, các chuyên viên), Bộ Công an (A03, A05) và các chuyên gia môn sinh học.
Tổ chuyên gia nêu rõ dựa trên các tư liệu cho thấy có nhiều điểm bất thường. Theo đó, khi đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ có sự trùng lặp rất lớn.
Đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ thì cho thấy trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (tỉ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ…
Bình luận (0)