Gần 5 tháng sau khi tổ chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) kết luận có những bất thường trong đề thi tốt nghiệp THPT môn sinh, ngày 23-12, Bộ GD-ĐT thừa nhận có những yếu tố bất thường.
Xử lý chậm?
Những câu hỏi được đông đảo giáo viên, đại biểu Quốc hội và báo chí đặt ra là đơn vị có trách nhiệm cao nhất về đề thi tốt nghiệp THPT, cụ thể là Bộ GD-ĐT, đã làm gì để tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự bất thường? Có hay không việc lộ đề thi vì mục đích gian lận?... thì Bộ GD-ĐT vẫn chưa có câu trả lời.
Ông Đinh Đức Hiền, giáo viên Hệ thống Giáo dục Học Mãi, người đầu tiên lên tiếng về bất thường của đề thi môn sinh, phân tích nếu làm đúng quy trình ra đề và bảo mật theo quy chế thì không thể có chuyện trùng khớp 37/40 câu như vậy. Ngân hàng đề có hàng ngàn câu hỏi, việc rút câu hỏi là ngẫu nhiên bằng phần mềm để tạo thành đề thô, từ đề thô lại chọn ngẫu nhiên thành đề duyệt chốt, trong khi đó sự trùng khớp gần 100% lại diễn ra ở cả 2 lần ngẫu nhiên là quá bất hợp lý. Điều này đặt ra nghi vấn có sự sắp xếp câu hỏi từ trước và phần mềm bị can thiệp.
"Thông cáo báo chí của Bộ GD-ĐT chỉ ra sự bất thường trong việc luyện thi tương ứng với những gì biên bản thẩm định chỉ ra. Từ đây đặt ra nghi vấn mối quan hệ giữa người luyện thi và ban ra đề. Rất nhiều điều không bình thường cần được làm rõ từ quy trình làm đề, ra đề, bảo mật đề đến các mối quan hệ" - ông Hiền nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT, khẳng định từ những gì mà các chuyên gia cung cấp tại biên bản thẩm định cùng những chứng cứ rất rõ ràng, dư luận hoàn toàn có thể đặt nghi vấn đây là một vụ lộ đề thi. "Đề thi quốc gia vốn được xếp danh mục tối mật. Làm lộ bí mật ở kỳ thi quốc gia là một sai phạm rất nghiêm trọng" - TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Học sinh TP HCM trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: TẤN THẠNH)
Theo ông Đinh Đức Hiền, ông mong vụ việc được sáng tỏ, công khai minh bạch, không có vùng cấm. "Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra cho kết quả rõ ràng để mang lại niềm tin cho nhân dân, học sinh cả nước yên tâm học tập khi mùa thi 2022 đang đến gần" - ông Hiền bày tỏ và nhấn mạnh học thật, thi thật là mong muốn của nhân dân cả nước. Nhưng đầu tiên muốn làm được thì kỳ thi phải trong sạch, công bằng, chừng nào còn tiêu cực trong các kỳ thi thì việc học sẽ không bao giờ thật, tất cả sẽ thành đối phó.
TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh việc không xử lý vi phạm đến nơi đến chốn thì tình hình buông lỏng quản lý sẽ có thể diễn ra như một căn bệnh "nhờn thuốc". "Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhiều lần khẳng định về học thật, thi thật. Biết một mình bộ trưởng sẽ rất khó khăn trong việc xoay chuyển tình thế trong ngắn hạn nhưng tôi kỳ vọng vào một thái độ và hành động có trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục trước những tiêu cực đang xảy ra trong ngành" - ông Vinh nói.
Có lộ, lọt đề không?
Với sự chậm trễ của Bộ GD-ĐT trước vụ việc nghiêm trọng này, bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV, bày tỏ hy vọng Bộ GD-ĐT có lý do chính đáng để trả lời về sự xử lý chậm trễ.
"Tôi rất mong Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn sớm trả lời câu hỏi này. Hơn ai hết, Bộ trưởng sẽ hiểu những hệ lụy từ tiêu cực của ngành mình đang quản lý. Những nghi ngờ có sự khuất tất trong thi cử không chỉ có trong suy nghĩ của một bộ phận xã hội, mà có ngay trong lực lượng giáo viên là những người đến với nghề bằng tâm thế kết nối xây dựng tri thức. Khi lực lượng này mất đi niềm tin với công việc, nghề nghiệp của mình, thì đó thật sự là một bi kịch, là một thất bại trong quản lý giáo dục" - bà Hiền nói. Theo bà Hiền, vụ việc giờ đây không còn nằm trong phạm vi giải quyết của một bộ, ngành mà cần có sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ.
"Tôi mong Chính phủ quan tâm, kịp thời chỉ đạo và yêu cầu Bộ GĐ-ĐT có báo cáo giải trình cụ thể. Nếu bộ trưởng đề cao việc học thật và thi thật thì trước hết cần trả lời thẳng và trả lời thật đây có phải là hành vi cấu kết làm lộ, lọt đề thi hay không?".
Bình luận (0)