Trung tâm Dịch vụ Công ích TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa "được" kiểm tra và nhận kết luận về công tác tổ chức, hoạt động và công tác quản lý tài chính; công tác phòng chống tham nhũng.
Người viết muốn dùng từ "được" bởi dưới góc độ lợi ích công thì việc kiểm tra nhằm giúp phát hiện, thanh lọc những hạt sạn trong bộ máy để bộ máy ấy vận hành trơn tru, mượt mà và hiệu quả hơn.
Và y như rằng không chỉ "sạn", thậm chí nơi đây còn có dấu hiệu của "sâu làm tổ" khi một loạt những khuyết điểm, hạn chế được chỉ ra sau kiểm tra. Như, chưa đủ năng lực để tự chủ trong tham gia thực hiện các công trình, dự án với tư cách là nhà thầu; tự ý dùng nguồn vốn thực hiện đầu tư tài chính gửi ngân hàng mà không xin chủ trương của thành phố…
Đáng chú ý, trung tâm này thuê xe bồn rửa đường với giá 320 triệu đồng/tháng, thời hạn 2 năm. Tính ra, bất kể mưa hay nắng, mỗi ngày chi phí cho xe này là hơn chục triệu đồng (!).
Có vẻ đây là đơn vị đầu tiên quy giá nước cao hơn giá xăng, và nói theo dân gian thì đích thị đang "xắn tay đốt nhà táng", "ném tiền qua cửa sổ"?
Chưa hết, Trung tâm dịch vụ công ích TP Biên Hòa còn ký hợp đồng thuê 1 xe tải có cần cẩu nâng người làm việc trên cao, với chi phí 200 triệu đồng/tháng. Chỉ 2 "hạng mục" này đã ngốn hơn nửa tỉ đồng sau mỗi 4 tuần khiến ai nghe qua cũng khiếp vía.
Tuy nhiên, điều bất ngờ này trở nên "hợp tình" khi mọi người vỡ lẽ nơi được thuê xe lại là chỗ công ty của em gái ruột ông Trần Quang Trung - Giám đốc trung tâm dịch vụ công ích TP Biên Hòa.
Tức, "sân sau" hay "sân trước" đều là "sân chung".
Song, nó ngược lý bởi vì đi một "con đường riêng" trong dòng thác chống tiêu cực của cả nước. Cụ thể là ông Trần Quang Trung với vai trò, trách nhiệm là giám đốc đã trực tiếp ký hợp đồng thuê xe với công ty có liên quan em gái ruột là có xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp phòng, chống tham nhũng. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 4, Điều 8.
Nói thẳng, mang tiền của nhà nước, của tập thể để hợp tác với mối thân tình thì chữ "liêm" đã nhạt, chữ "chính" đã mờ. Sử dụng phương tiện của bên cho thuê, trích hoa hồng cho họ với số tiền không nhỏ thì chữ "chí công vô tư" dường như nhẹ hơn mối quan tâm về lợi ích!
Và như vậy, không có lý do gì để không "dọn dẹp" lại, ít nhất là dọn dẹp tư duy "vị gia đình" trong đơn vị nhà nước. Nói thẳng ra, xử lý nghiêm là điều kiện cần nhưng chưa hẳn đủ.
Phải xử lý sao để sức nóng trong tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng với sai phạm, tiêu cực đủ làm toát mồ hôi những đơn vị nhà nước đang manh nha ý định coi tiền dân như lá mít, coi việc công như việc trong nhà!
Bình luận (0)