Hoan nghênh sự kiên quyết, minh bạch của ngành công an trong việc chung tay nói không với tiêu cực thi cử, đồng thời góp phần đưa tội phạm gian lận điểm thi ra ánh sáng.
Ngoài Hòa Bình còn hai tỉnh khác là Hà Giang và Sơn La cũng có hàng chục thí sinh được nâng điểm ở kỳ thi THPT quốc gia 2018; Bộ Công an đang chờ phúc đáp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La để xử lý tiếp.
Trước đó, cơ quan điều tra và Bộ GD-ĐT kết luận có 64 thí sinh ở Hòa Bình (gồm 63 em của năm 2018 và 1 em của năm 2017) được nâng điểm. 64 thí sinh này đã được tuyển vào khoảng 20 trường đại học, học viện…, chủ yếu là những ngành có điểm đầu vào cao như công an, quân đội, y dược…
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang vừa khởi tố thêm 3 cán bộ tiếp tay gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018, trong đó có đến 2 phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang. Điều này cho thấy mức độ rất nghiêm trọng của vụ án, nó mang tính hệ thống và có thể không chỉ tiêu cực ở mùa thi năm 2018.
Ngành công an và các ngành khác đã tuyên bố sẽ thẳng tay loại những sinh viên từng có bài thi được nâng điểm. Dư luận còn mong chờ chuyện tiếp theo nữa, đó là sau khi kết luận điều tra, cơ quan chức năng phải công bố danh sách toàn bộ các thí sinh được nâng điểm và các cá nhân tác động (bằng tiền bạc và quyền lực) để nâng điểm cũng như những người đã trực tiếp sửa điểm thi, ở cả 3 địa phương Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.
Không có lý do gì để giấu giếm hoặc công khai nửa vời. Có những cá nhân đã bán mình để ra tay can thiệp trực tiếp vào bài thi của hàng chục thí sinh thì ắt có nhiều người mua điểm. Nếu là dân thường mua điểm cho con - em - cháu thì đã có quy định pháp luật trừng phạt; nếu người mua điểm là quan chức nhà nước thì bên cạnh xử lý bằng pháp luật còn phải xử lý nhiều mặt khác, bất kể người đó là ai. Làm được như vậy thì mới chứng minh được quyết tâm làm sạch gian lận thi cử của các ngành hữu quan, nói phải đi đôi với làm; bằng không thì mọi tuyên bố cũng chỉ là lời sáo rỗng!
Một trong những mục đích của giáo dục là hướng thiện. Cũng từ mục đích này mà có ý kiến cho rằng xử lý quá mạnh tay với các thí sinh có bài thi được nâng điểm là "thiếu nhân văn". Không thể nghĩ một chiều như thế, bởi vì những thí sinh được nâng điểm đều có học lực kém, thừa biết mình được người thân tác động để tăng điểm nhưng vẫn im lặng, ung dung vào học các trường tốt, tức là đồng lõa với hành vi phạm pháp. Và "nhân văn" với các thí sinh này thì ai "nhân văn" với các thí sinh có thực lực đã bị tước đoạt cơ hội? Ai "nhân văn" với xã hội về sau khi có một lớp trí thức dỏm ra trường?...
Ngành giáo dục đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cũng như mọi năm, lại tiếp tục cam kết "kiên quyết", "quyết tâm", "hết mình"… ngăn ngừa tiêu cực. Muốn xã hội tin thì đâu cần hứa mà chỉ cần làm, trong đó công khai toàn diện kết quả điều tra tiêu cực thi THPT quốc gia 2018 là một hành động có thể thay cho cả trăm lời tuyên bố.
Bình luận (0)