Trước ngày ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về hưu, ông đã ký 89 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các phòng, ban do ông quản lý. Dư luận cho rằng đây là "chuyến tàu vét", là sự "năng động" ở thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ" của ông Hùng.
Con số này bỏ xa vụ bổ nhiệm 60 cán bộ xảy ra tại Thanh tra Chính phủ cách đây vài năm, từng gây nóng sốt dư luận.
Nhưng, với cách trả lời của những người "bề trên" ông Hùng thì ông Hùng bị oan, tất cả đều đúng quy trình và việc gần 100 cán bộ được bổ nhiệm cùng lúc, ở thời điểm nhạy cảm, là "công trình tập thể" chứ cá nhân ông Hùng không thể quyết (?!).
Trong các quyết định bổ nhiệm có một số phòng được ông Hùng ký bổ nhiệm cùng lúc trưởng phòng và 2 phó phòng như: Phòng Mua sắm, phòng Công trình Kiến trúc, phòng Sân đường, phòng Kỹ thuật Thiết bị...
Thậm chí, một cái phòng chỉ làm nhiệm vụ văn thư với công việc cực kỳ đơn giản là "văn thư" cũng có đến... 2 lãnh đạo! Mà trong 2 lãnh đạo này, một người mới là "quyền trưởng phòng" - tức sẽ còn bổ nhiệm thêm một nhịp nếu muốn là trưởng phòng chính thức.
Ông Lê Mạnh Hùng ký 89 quyết định bổ nhiệm cán bộ khi sắp về hưu
Trả lời báo chí, ông Lê Mạnh Hùng cho biết việc ký các quyết định bổ nhiệm căn cứ vào nghị quyết của Ban thường vụ Đảng ủy, HĐQT ACV và ông là người ký cuối cùng với tư cách Tổng giám đốc. Các quyết định bổ nhiệm nhân sự này làm đúng quy trình, có quyết định làm xong từ năm 2017 nhưng chưa ký, có quyết định làm vào năm 2018 chứ không có gì khuất tất.
Còn ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho rằng việc ký các quyết định bổ nhiệm của ông Hùng không có gì bất thường. Bởi phần lớn quyết định bổ nhiệm lẽ ra phải ký từ trước khi ông Nguyễn Nguyên Hùng (Chủ tịch HĐQT ACV) nghỉ hưu giữa năm 2017, nhưng lúc đó lãnh đạo Bộ GTVT nói để chủ tịch HĐQT mới thực hiện việc này, để dư luận khỏi hoài nghi.
Theo lý giải, khi chuyển sang mô hình hoạt động công ty cổ phần từ năm 2016, nhu cầu sử dụng cán bộ trong công tác quản lý điều hành, các đơn vị trực thuộc ACV đề nghị thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ theo mô hình mới vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, do giữa năm 2017, ông Nguyễn Nguyên Hùng nghỉ hưu nên việc kiện toàn bộ máy và bổ nhiệm cán bộ được dừng lại. Việc này được tiếp tục thực hiện sau khi ông Lại Xuân Thanh được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT ACV vào tháng 6-2017. Theo đó, hệ thống tổ chức của toàn công ty bao gồm 301 đầu mối cần bổ nhiệm.
Và, theo giải thích của những người đứng đầu ACV, 53 cán bộ lãnh đạo đã được đề nghị bổ nhiệm từ 2016 mà mãi đến 2018 mới được bổ nhiệm chỉ vì chuyện về hưu của một vài cá nhân.
Cả một bộ máy đã phải "chờ" suốt 2 năm trời để rồi đùng một cái gần 100 quyết định được ký cùng một ngày, trước khi "ông tổng" về hưu; thử hỏi làm sao thuyết phục được dư luận?.
Còn nếu do nhu cầu, nếu vì kiện toàn, thì suốt thời gian qua siêu tổng công ty như ACV với số vốn hơn 50.000 tỉ đồng hoạt động ra sao khi 89 lãnh đạo này chưa được bổ nhiệm? Thiếu cùng lúc hàng chục lãnh đạo, ACV vẫn làm ăn ngon lành, vậy bổ nhiệm thêm chỉ để giải quyết bài toán ghế hay bài toán kinh tế?
Hiệu quả kinh tế thì chưa thấy nhưng quỹ lương chắc chắn phải đội lên.
Còn nếu giải thích rằng lẽ ra đã bổ nhiệm từ lâu, trước khi ông Nguyễn Nguyên Hùng nghỉ hưu từ giữa năm ngoái, nhưng vì "lãnh đạo bộ yêu cầu để người mới lên rồi hãy ký cho dư luận đỡ hoài nghi" thì tại sao ông Lê Mạnh Hùng phải ký, thậm chí là ký dồn toa. Mà làm kiểu này thì dư luận lại càng hoài nghi hơn khi ông Mạnh Hùng phải ký bổ nhiệm nhiều hơn ông Nguyên Hùng do cán bộ ùn ứ xếp hàng chờ bổ nhiệm.
Nói thẳng, với những gì đang diễn ra, còn lâu người dân mới tin.
Người dân chưa tin thì cơ quan cấp trên cần phải thanh tra vụ bổ nhiệm cán bộ "khủng" này, để "giải oan" cho ông Hùng, để ông yên lòng nghỉ hưu.
Còn nếu ầu ơ cho qua chuyện, câu hỏi không thể không đặt ra: Họ đang vô tình hay cố tình chống lại các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ?.
Bình luận (0)