Cụm homestay xây dựng trên đất rừng tại khu vực hồ Ban Tiện vừa xảy ra sạt trượt "vùi lấp" nhiều ôtô. Ảnh: HỮU HƯNG
Câu chuyện về rừng ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) bị "xẻ thịt" vẫn hầm hập tính thời sự, sau nhiều năm. Ít nhất, từ năm 2019, trước tình trạng "xẻ thịt rừng" vô tội vạ tại huyện này, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng, nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm.
Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các kết luận của thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp trước đó. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai cũng như vi phạm trật tự xây dựng.
Kết quả thanh tra cũng thể hiện việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác khi thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm tập thể và cá nhân liên quan. Cùng với đó, đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Những nội dung trên là thông điệp rõ ràng, nghiêm khắc và dứt khoát trong lập lại trật tự luật pháp tại khu vực này. Không riêng Hà Nội, người dân cả nước hy vọng, chờ đợi tín hiệu tích cực từ việc xử lý, khắc phục sai phạm.
Khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) trong khi còn những trường hợp vi phạm chưa được xử lý lại phát sinh nhiều trường hợp vi phạm khác
Thế nhưng, cho đến gần nửa thập kỷ sau, tháng 8-2023, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (chủ yếu ở những khu vực đất rừng, đặc biệt là ven các hồ) mọc thêm rất nhiều công trình, hạng mục mới.
Như vậy, đất rừng ở đây tiếp tục bị "xẻ thịt". Lãnh đạo huyện này, ông Phạm Quang Ngọc, cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã kiểm tra 478 trường hợp, phát hiện 187 trường hợp vi phạm phải lập hồ sơ xử lý. Huyện đã xử lý dứt điểm 124/187 trường hợp. Ngoài ra, xử lý được 149 trường hợp vi phạm tồn đọng từ năm 2022 trở về trước và vi phạm theo các quyết định, kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.
Nghĩa là kiến nghị "trả lại nguyên trạng ban đầu" không những bay theo gió mà cơn gió ấy còn mang cả sự thất vọng về cách tiếp nhận, thực thi trách nhiệm của một số người.
Cách "hành xử công vụ như… đùa" trên vừa làm tổn hại đất rừng, vừa gây tổn hại tới ý thức chấp hành quy định, ý thức thượng tôn luật pháp của một bộ phận lẽ ra phải nổi trội trong chấp hành.
Hãy xem một phần trong xử lý: UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật (vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật) là 19 trường hợp; không kỷ luật vì hết thời hiệu 22 trường hợp; khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng…
So với sự đằng đẵng về thời gian, số liệu hãi hùng về quy mô, mức độ vi phạm, sự ngang nhiên tiếp tục mọc của các công trình mới thì 39/80 trường hợp kia như một động tác "gãi" hời hợt trên trên phần cơ thể có dấu hiệu phải dùng tới dao mổ.
Sau 4 năm nhận kết luận rõ ràng, mạnh mẽ, dứt khoát tựa như "sấm sét" từ Thanh tra TP Hà Nội thì thực trạng quản lý rừng ở Sóc Sơn hiện nay là một sự phản hồi không mong đợi.
Phải nghiêm khắc xử lý các tồn tại dẫn tới câu trả lời tê tái ấy.
Đừng nói rồi để đấy, đánh trống bỏ dùi nữa, thưa các vị!
Bình luận (0)