Ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, nêu ý kiến rằng TP HCM cần có những chỉ đạo dứt khoát trong việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại. Ông Tuấn cho rằng nên để sinh viên y khoa đi học trở lại ngay trong tuần tới. Theo ông Tuấn, sinh viên y khoa có kiến thức trong công tác phòng chống dịch. Đây cũng là đội ngũ dự bị khi TP HCM thiếu hụt nguồn y, bác sĩ nếu dịch COVID-19 bùng phát.
Các bác sĩ trẻ trong "biệt đội chống Covid-19" ở bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP HCM - Ảnh từ Facebook của bác sĩ Phan Minh Phương
Ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết sinh viên y khoa có quyết tâm cao, mong muốn đồng hành cùng nhà nước trong việc phòng chống dịch. Ông Xuân mong TP HCM xem xét cho sinh viên y khoa được sớm đi học lại cũng như tham gia thực tập.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cũng tán đồng quan điểm cho sinh viên y khoa sớm trở lại trường. Theo ban giám hiệu các trường này, cho sinh viên y khoa đi học trở lại sẽ là cơ sở để các trường ĐH khác cho sinh viên đi học trở lại.
Việc cho sinh viên các trường y trở lại lớp học là bình thường, bởi một trường lớn như Trường ĐH Y Hà Nội vẫn cho sinh viên đi học ngay trong thời điểm trọng dịch. Theo GS-TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, đặc thù của sinh viên ngành y là học tập tại các cơ sở y tế, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh nên phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng đúng để tự bảo vệ bản thân; có khả năng giải thích, hướng dẫn cách phòng tránh cho người bệnh và cộng đồng, đồng thời chung tay cùng ngành y tế phòng chống dịch.
Trước đó khá lâu, ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu hiệu trưởng 11 trường ĐH trực thuộc bộ chuẩn bị các phương án để đón sinh viên học lại từ ngày 2-3. Thế nhưng, đến nay, nhiều trường y vẫn để sinh viên nằm nhà. Thậm chí, rất nhiều sinh viên y năm thứ 5, thứ 6 cũng nghỉ học khi cả xã hội căng mình lo chống dịch Covid-19!
Trong khi đó, theo kiến nghị của Bộ GD-ĐT, 60/63 tỉnh, thành đã cho học sinh THPT đi học trở lại từ ngày 2-3, trừ TP HCM, Hà Nội và Tiền Giang. Tại TP HCM, ngày 9-3, học sinh lớp 12 cũng sẽ đi học trở lại.
Vậy tại sao sinh viên các trường y lại nằm nhà? Chẳng lẽ với kiến thức đào tạo ở trường y, nhiều sinh viên năm 4, 5, 6 lại không tự tin phòng chống dịch cho bản thân, không bằng học sinh THPT? Hơn nữa, các trường y dược chắc chắn có phương án và kinh nghiệm chống dịch tốt hơn nhiều so với các trường phổ thông.
Thế thì lý do gì mà sinh viên nhiều trường y tiếp tục nghỉ học?
Ý kiến của ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP HCM rất đáng chú ý khi cho rằng sinh viên y khoa có kiến thức về phòng chống dịch, phải là đội ngũ dự bị khi TP HCM thiếu hụt nguồn y bác sĩ nếu dịch COVID-19 bùng phát. Tại sao với kiến thức học được, hàng ngàn sinh viên y khoa năm thứ 5, thứ 6 lại nằm nhà mà không đến trường, tổ chức những "biệt đội chống Covid-19" như nhiều bác sĩ rất trẻ ở các bệnh viện tại TP HCM đã và đang làm? Ít ra thì trên giảng đường, trong các phòng thí nghiệm, sinh viên ngành y có dịp nghiên cứu về virus, đặc biệt về virus corona chủng mới rất hữu ích cho nghề nghiệp…
Người viết bài này hết sức xúc động khi đọc chia sẻ trên Facebook của bác sĩ rất trẻ Phan Minh Phương ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM khi cô cùng các đồng nghiệp trẻ hoàn thành nhiệm vụ với "biệt đội Covid-19" 3 tuần tại bệnh viện dã chiến Củ Chi. Đọc và hiểu rằng, chỉ có 3 tuần chống dịch, các bác sĩ trẻ đã trưởng thành như thế nào.
Vậy tại sao sinh viên ngành y lại nằm nhà?
Người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ ở ĐH Y dược TP HCM, TS-BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh, nhắn nhủ với sinh viên ngành y trên Facebook: "Hình ảnh mà tôi kỳ vọng là các em sinh viên còn đang ôm gối ngủ ở quê nhà, hãy mau đến các trung tâm y tế phụ giúp công việc phòng chống dịch bệnh. Em nào vô tới TP HCM thì liên hệ Đoàn Thanh niên, thành lập ngay một đội xung kích tới ngay các bệnh viện dã chiến phụ giúp công việc vốn là sở trường của dân y khoa…".
Vậy tại sao đến giờ, hàng ngàn sinh viên y khoa vẫn "ôm gối ngủ ở quê nhà"?
Dịch Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát rất tốt. Việt Nam chỉ có 21 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 16 ca đã chữa khỏi, thực tế đến nay (sáng 8-3) chỉ có 5 ca nhiễm mới. Nếu so sánh với Hàn Quốc có hơn 7.000 ca nhiễm (tính đến ngày 7-3), Ý (700), Đức (500), Pháp (577), Thụy Sỹ (hơn 200), Anh (47), Hà Lan (80), thì số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam còn rất ít.
Với tất cả sự cẩn trọng và trên cơ sở các diến biến khách quan của dịch Covid-19 tại nước ta, qua kinh nghiệm của Trường ĐH Y Hà Nội vẫn cho sinh viên đi học bình thường trong những ngày trọng dịch mà không có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra, đã đến lúc để sinh viên trường y trở lại trường.
Đừng để sinh viên ngành y "ôm gối ngủ ở quê nhà"!
Bình luận (0)