Cái cách mà tỉnh Quảng Trị đang làm nghe ra có lý. Đó là người dân sử dụng bao nhiêu ki-lô-mét đường thì trả phí BOT bấy nhiêu. Trước nay, chủ đầu tư thu quá hớp, giờ phải giảm cho dân theo số ki-lô-mét đường họ sử dụng.
Cụ thể là, trạm thu phí BOT Quảng Trị đặt tại Km 763 Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. Trạm này thu phí cùng lúc cho 2 dự án BOT nằm về phía Bắc và Nam TP Đông Hà, có tổng chiều dài là 28,77 km.
Hằng ngày, rất nhiều phương tiện từ 3 huyện - thị phía Nam gồm Triệu Phong, Quảng Trị và Hải Lăng ra TP Đông Hà để làm việc, kinh doanh. Họ không đi trên tuyến nâng cấp ở phía Bắc nhưng vẫn phải đóng phí cho cả 2 trạm nên vô cùng bức xúc.
Không chắc là ý kiến của Quảng Trị được Bộ GTVT chấp thuận. Còn nhớ, đầu năm 2017, tỉnh đã đề nghị cho dời trạm thu phí về phía Nam 50 km, giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng không được giải quyết. Ba tháng trước, tỉnh đề xuất giảm 50% mức phí nhưng cũng không được chấp nhận.
Thẩm quyền trong tay Bộ GTVT nhưng gật đầu hay lắc đầu chưa hẳn là Bộ. Một bạn đọc đặt câu hỏi gửi đến chúng tôi: "Bộ nắm quyền nhưng chủ đầu tư có tiền. Ai quyết?".
Chúng tôi không trả lời được. Chỉ thấy thực tế là hầu hết đề xuất của các tỉnh, thành về việc giảm phí BOT qua địa bàn đều không được giải quyết.
Dời trạm thì chủ đầu tư khăng khăng nói không rồi, còn giảm phí thì "cân nhắc", theo kiểu câu giờ. Đề xuất chán không được thì nản, cho qua!
Đã có vài chủ đầu tư - như trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) - dọa kiện Bộ GTVT vì rút ngắn thời gian thu phí của họ. Còn chủ đầu tư BOT Cai Lậy cũng dọa nếu dời trạm sẽ vỡ phương án tài chính (tức thu không đủ sở hụi).
Mà như thế thì Bộ GTVT phải chịu do trước đó đã quyết đồng ý cho đặt trạm ở đó rồi, thu trong bao lâu, mức bao nhiêu, đều giấy trắng mực đen rõ ràng.
Bút sa gà chết!
Bút là của Bộ; còn "gà" là người dân, là chủ phương tiện, chứ chẳng phải bộ - ngành nào.
Trạm BOT giao thông đem lại quyền lợi quá lớn cho các chủ đầu tư nhưng nhiều trạm trong số đó xâm phạm trắng trợn lợi ích của người dân. Trong khi chủ trương Nhà nước về các dự án BOT là phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân.
Chúng ta không nghi ngờ gì về sự hữu ích của hình thức đầu tư BOT đã vận hành hơn chục năm qua. Chúng ta chỉ nghi ngờ có sự đan cài của lợi ích nhóm làm méo mó chính sách, trục lợi từ chính sách.
Bởi vậy, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cách đây 1 tuần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành - trong đó chính yếu là Bộ GTVT - phải rà soát, chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT, qua đó giảm phí BOT hơn nữa...
Và những ngày qua, sau BOT Cai Lậy, đến lượt BOT Thái Nguyên rồi BOT số 1 trên Quốc lộ 5 qua Hưng Yên phải xả trạm vì tài xế chống đối bằng cách trả tiền lẻ.
Rất đáng lo là hiện tượng này có nguy cơ lan rộng nếu Bộ GTVT cùng với các chủ đầu tư không có giải pháp ứng phó kịp thời.
Để làm được, phải nhận thức đúng bản chất vấn đề.
Một, vì sao người ta phản ứng đến mức như vậy? Là bởi người ta lên tiếng hoài rồi mà không ai nghe. Nhận thấy trả tiền lẻ không vi phạm pháp luật, họ chọn ngay đó làm phương tiện phản ứng, cũng là kế sách cuối cùng khả dĩ của họ.
Hai, những điều khiến họ phản ứng trên thực tế ai cũng thấy là hết sức vô lý, là sai như hai năm rõ mười, nhất là cái chuyện không sử dụng mà phải trả tiền. Ai cũng thấy, lẽ nào các bộ - ngành không thấy?
Sự chịu đựng của con người là có giới hạn. Con chuột bị dồn ép vào xó nó còn quay lại cắn cả mèo. Nguyên lý của tức nước vỡ bờ là vậy. Đừng để những chuyện không hay như ở BOT Cai Lậy hay Quốc lộ 5 lan rộng. Các bộ - ngành hữu quan hãy hành động ngay đi !
Thăm dò ý kiến
Hãy cho biết quan điểm của bạn?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)