Con số trên được Thanh tra Chính phủ công bố chính thức tại cuộc họp Quốc hội cho ý kiến dự thảo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017.
Con số khó tin nhưng dễ dàng được chấp nhận, bởi ngoài 3 người không trung thực bị phát hiện, hầu hết cán bộ còn lại đều thấy mình nằm trong số 1.113.419 người kê khai tài sản trung thực.
Ba trường hợp trên mới chỉ là vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập chứ không phải là tài sản bất minh hoặc tham nhũng.
Tài sản của cán bộ nào khó thấy, khó tìm. Nó nằm rờ rỡ trên từng khoảnh đất, từng vị trí đắc địa ở khắp các địa phương đấy thôi. Tôi nhìn thấy anh, anh nhìn thấy tôi, kê khai thế nào đây để "dĩ hòa vi quý" ấy mà.
Rồi, tài sản A, tài sản B... nào khác nữa đâu phải của tôi. Đó là của vợ, của con, anh em họ hàng chứ tôi vẫn nghèo kiết, vẫn phải đạp xích lô, bán chổi đót, nuôi heo... Rồi còn tài sản là cổ phần chìm, cổ phần nổi ở bao doanh nghiệp; tài sản rải rác ở các ngân hàng, các quốc gia thì ai kiểm tra cho thấu.
Nếu chấp nhận con số trên thì hoặc là cán bộ của chúng ta quá liêm khiết; hoặc việc kê khai không có mấy tác dụng chống tham nhũng. Nếu chấp nhận vế thứ nhất, thì chúng ta tự mâu thuẫn bởi cả bộ máy đang vào cuộc quyết liệt chống tham nhũng. Và hiện chúng ta đang xem tham nhũng là quốc nạn, mỗi năm phát hiện hàng trăm cán bộ "nhúng chàm".
Còn nếu chấp nhận vế thứ hai, thì vô hình dung việc kê khai tài sản trở thành công cụ hợp thức hóa tài sản không thể lần ra nguồn gốc của cán bộ hiện nay.
Tỉ lệ cán bộ kê khai trung thực như trên, ở góc độ của người dân, như một câu chuyện trào phúng. Nó trở nên hoang tưởng ngay cả đối với những quốc gia nằm ở tốp đầu về sự minh bạch của bộ máy nhà nước chứ nói gì đến Việt Nam - đang bị nạn tham nhũng đe dọa kéo lùi sự phát triển.
Bình luận (0)