Kết thúc Hội nghị "Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá" diễn ra sáng 17-10 tại TP HCM, các chuyên gia cho rằng cần cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và những loại thuốc lá mới khác ở Việt Nam.
Báo cáo tại hội nghị, ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng, chống tác tại của thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết tỉ lệ hút thuốc lá điếu truyền thống giảm, tuy nhiên số người dùng thuốc lá điện tử lại tăng. Đặc biệt, số lượng nữ giới hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nhiều hơn so với thuốc lá điếu.
"Chỉ trong vòng 2 năm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh (13-15 tuổi) tăng đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023. Những nỗ lực trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu tại Việt Nam trong gần 10 năm qua sẽ có nguy cơ bị phá hủy, bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử" – ThS Hương nhấn mạnh.
Theo ThS Hương, không có căn cứ nào chứng minh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây tác hại hơn hút thuốc lá điếu. Hai loại thuốc lá mới này đều chứa nicotine (chất gây nghiện cao, ảnh hưởng đến sức khỏe)
Tổ chức Y tế thế giới khẳng định việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của loại thuốc lá mới này. Ngoài ra, WHO kêu gọi các quốc gia cần có biện pháp "ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về an toàn của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng".
Hiện nay, trên thế giới đã có 39 quốc gia cấm dùng thuốc lá điện tử, 3 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử như dược phẩm và 18 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam xuất hiện nhiều tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma tuy trái phép.
"Trong quý I năm 2024, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ" – ông Hải thông tin.
TS- BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, cho biết từ tháng 1-2022 đến tháng 10-2023, BV đã tiếp nhận hơn 120 ca bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong số đó, có tới 51,7% bệnh nhân có biểu hiện rối loạn về cảm xúc, tâm thần, trong đó gồm kích động la hét, ảo giác, hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi.
Với những thống kê và nghiên cứu thực hiện trong nhiều năm qua, ThS Hương khẳng định: "Không thể dùng một sản phẩm gây nghiện khác để làm giảm tác hại thuốc lá điếu. Điều này không khác gì tạo ra một thế hệ người nghiện mới. Chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn để bảo vệ thế hệ trẻ. Bắt đầu từ việc ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng thuốc lá mới trở nên phổ biến".
Ngoài ra, Bộ Y tế đang trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.
Bình luận (0)