Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đang trở thành xu hướng tất yếu tại Quảng Bình, mở ra hướng đi mới vì một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong xây dựng thành công các mô hình trong những lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.
Những mô hình tiên phong
Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình ở xã miền núi Trường Xuân, huyện Quảng Ninh được biết đến như một trong những trang trại chăn nuôi heo ứng dụng CNC lớn nhất địa phương. Trên mảnh đất khô cằn và sỏi đá này có một trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, hội tụ đầy đủ các yếu tố xanh - sạch - đẹp.
Với diện tích hơn 20 ha, ngoài khu vực hành chính, trang trại Buntaphan Quảng Bình được chia thành 2 khu riêng biệt, gồm khu nuôi heo thịt và khu nuôi heo nái sinh sản. Mỗi khu đều được đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại với khả năng điều khiển nhiệt độ tự động; hệ thống cung cấp thức ăn và nước uống cũng hoàn toàn tự động. Trang trại đã áp dụng CNC trong quy trình lai tạo giống và thụ tinh nhân tạo, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến. Việc sản xuất tinh heo tự động theo công nghệ Magapor (Tây Ban Nha) ở đây đã góp phần nâng cao chất lượng con giống.
Theo ông Nguyễn Phúc Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình, trang trại chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019 với công suất thiết kế nuôi 2.400 heo nái, 50 heo đực và 19.000 heo thương phẩm mỗi năm. Heo giống tại trang trại được nhập khẩu từ Pháp và quy trình chăn nuôi được quản lý khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn cao về an toàn sinh học.
"Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trang trại luôn duy trì được tình trạng "âm tính" với các dịch bệnh nguy hiểm, như dịch tả lợn châu Phi và tai xanh. Trang trại cũng đã đầu tư hệ thống xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi hiện đại, có khả năng cho ra kết quả chỉ trong vòng 2 giờ" - ông Thông cho biết.
Nhờ những công nghệ tiên tiến này, Buntaphan Quảng Bình luôn duy trì số lượng đàn heo ổn định với 16.500 - 17.200 con và tổng số heo hiện nay đã lên tới hơn 18.000 con. Trang trại đạt doanh thu gần 200 tỉ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 80 lao động với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, ngoài lĩnh vực chăn nuôi, mô hình chế biến lâm nghiệp của Công ty CP Gỗ Quảng Phát (Khu Công nghiệp Tây Bắc, TP Đồng Hới, tình Quảng Bình) còn áp dụng CNC vào sản xuất. Doanh nghiệp này đã làm ra nhiều sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường và thành công trong việc xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, các nước châu Âu...
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình, địa phương hiện có 112 cơ sở sản xuất ứng dụng CNC và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực trồng trọt với 48 cơ sở áp dụng công nghệ ở các nhà màng, nhà lưới; công nghệ tưới nước tiết kiệm của Israel.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Bình có 49 cơ sở áp dụng CNC để xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại; tự động cung cấp thức ăn, nước uống. Ngoài ra, lĩnh vực thủy sản có 11 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính; lĩnh vực lâm nghiệp có 4 cơ sở áp dụng công nghệ để chế biến, sản xuất...
Bảo đảm năng suất, chất lượng
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, nhìn nhận nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. CNC góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Việc ứng dụng CNC còn giúp ngành nông nghiệp ở Quảng Bình có tốc độ phát triển khá nhanh trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành công bước đầu rất đáng ghi nhận. Theo ông Tuấn, đa số cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Nhiều mô hình mang lại kết quả khả quan, góp phần giúp nông nghiệp, nông thôn ở địa phương ngày càng phát triển; tận dụng được lợi thế trong tiến trình hội nhập, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, Quảng Bình đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển những mô hình ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh.
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Quảng Bình sẽ tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị với những nông sản chủ lực trên địa bàn. Việc này sẽ tạo ra bước phát triển trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bảo đảm năng suất, chất lượng.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng địa phương cần nhanh chóng thoát khỏi cách thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thay vào đó, Quảng Bình cần chuyển sang các mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC để vừa phát triển bền vững vừa bảo đảm an toàn cho môi trường.
Một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp CNC được xác định là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế. Quảng Bình xác định "phát triển nông nghiệp CNC theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng CNC, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh". Trong đó, một số vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ được hình thành.
Đáng chú ý, giai đoạn 2021 - 2030, Quảng Bình sẽ đầu tư 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC điểm mẫu, gồm: Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Tây Bắc Đồng Hới (100 - 150 ha); khu nông nghiệp ứng dụng CNC Tây Nam Bố Trạch (150 - 200 ha). Giai đoạn 2030 - 2050, tỉnh đặt mục tiêu mở rộng và xây dựng 6 khu nông nghiệp CNC tại các địa phương.
Bình luận (0)