Mô hình này hình thành những cộng đồng sản xuất, tiêu dùng nhỏ tin tưởng lẫn nhau nhưng khó nhân rộng do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng đánh giá sản phẩm mà chủ yếu dựa vào trải nghiệm thực tế cũng như uy tín của người cung cấp.
Ngày càng thu hút khách hàng
Theo khảo sát của phóng viên, các loại nông sản được gắn mác "tự nhiên" tại TP HCM đều có giá rất cao. Một số loại thậm chí giá còn cao hơn các nông sản hữu cơ (organic) cùng loại có chứng nhận quốc tế của các doanh nghiệp có thương hiệu.
Khái niệm sản phẩm "thuận tự nhiên" được hiểu nôm na là nuôi trồng theo kiểu ông bà xưa, khi chưa có hóa chất xuất hiện. Một số mô hình còn thí điểm không can thiệp cày xới hay bón phân hữu cơ mà để môi trường tự cân bằng.
Theo bảng giá của một nhóm canh tác rau "thuận tự nhiên" gửi từ TP Cần Thơ đến TP HCM, dừa xiêm 25.000 đồng/quả; rau lang, rau bồ ngót 50.000 đồng/kg; chuối 30.000-40.000 đồng/kg; nhãn ido 90.000 đồng/kg; cam các loại 50.000-60.000 đồng/kg; ổi 40.000 đồng/kg; bắp 40.000 đồng/kg… Tại một cửa hàng rau online chuyên sản phẩm "thuận tự nhiên" có trụ sở tại quận 1, TP HCM, các loại rau dền, rau muống, rau lang có giá 55.000 đồng/kg - cao hơn rau hữu cơ đạt chuẩn quốc tế tại siêu thị.
Là khách quen của các điểm bán nông sản "thuận tự nhiên", chị Mai Thị Hồng (ngụ quận 3, TP HCM) giải thích lý do chọn mua dòng sản phẩm này là bởi yêu môi trường, thiên nhiên.
"Thực tế, trước khi chọn mua hàng, tôi đã theo dõi hoạt động trên mạng khá lâu và có sự đồng cảm với quan điểm nông nghiệp của họ. Đó là khôi phục cách canh tác của ông bà ta xưa để có cây trái chất lượng, vị đậm đà dù hình thức không được đẹp. Khi bán hàng, họ dùng lá chuối, lá sen gói rau rồi buộc bằng rơm nhằm hạn chế dùng túi ni-lông, dây nhựa để giảm ảnh hưởng môi trường. Giá bán của họ có thể cao nhưng chấp nhận được. Ngoài mua cho gia đình dùng, tôi còn mua thêm để biếu bạn bè vì có nhiều mặt hàng có hương vị gợi nhớ ký ức tuổi thơ " - chị Hồng bày tỏ.
Thực tế, những người phát triển mô hình nông nghiệp "thuận tự nhiên" đều tận dụng lợi thế của mạng xã hội để tiếp cận và thay đổi nhận thức của khách hàng đối với sản phẩm nông nghiệp. Họ bắt đầu tạo ra một bộ phận người tiêu dùng trân trọng nông sản, chấp nhận dùng nông sản theo mùa, không đòi hỏi cao về hình thức, dịch vụ. Phần lớn chủ của các mô hình này đều được học hành bài bản, có công việc tốt, lương cao nhưng lại bỏ ngang để quay về với nông nghiệp và dùng chính câu chuyện của mình để thu hút khách hàng.
Anh Lê Đình Quân, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thực phẩm Nam An (TP HCM), từng làm việc tại một công ty đa quốc gia, sau đó khởi nghiệp từ 3 ha đất của gia đình ở Bình Dương. Hiện công ty của anh khá thành công với sản phẩm thịt heo thương hiệu Tuta - chăn nuôi theo kiểu tự nhiên truyền thống.
"Các loại giấy tờ, chứng nhận chỉ là một phần. Niềm tin của khách hàng sẽ có khi mình làm đúng những gì đã cam kết. Ví dụ, chúng tôi cho heo lông đen ăn bằng nguyên liệu thô, không cho ăn cám công nghiệp, không thuốc tăng trọng, 10 tháng xuất chuồng, hương vị thịt thơm ngon như heo ông bà ta nuôi kiểu xưa nên được người tiêu dùng chấp nhận dù giá tương đương thịt bò. Khách hàng có thể tự đến kiểm tra thực tế hoặc lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá" - anh Quân tự tin.
Khách chọn mua thịt heo nuôi theo kiểu truyền thống
Đừng quá "cuồng tín"
Chủ một trang trại tại Bình Phước cho biết nhiều nông trại đang sử dụng khái niệm "thuận tự nhiên" để né từ "hướng hữu cơ" trước đây. "Nếu dùng từ hữu cơ mà không có chứng nhận đi kèm thì có thể bị phạt nên phải né. Hơn nữa, các loại nông sản nuôi trồng theo kiểu không hóa chất đã là tốt so với mặt bằng nông sản ở thị trường nên người tiêu dùng chấp nhận. Mô hình này có thể khó mở rộng do thiếu giấy tờ, chứng nhận nhưng vẫn tồn tại được nhờ lượng khách quen" - ông nhận xét.
Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (TP Cần Thơ), có một số mô hình phát triển nông nghiệp "thuận tự nhiên" theo hướng "cuồng tín". "Họ làm theo kiểu bỏ mặc cây trồng tự phát triển, có gì thu hoạch nấy vì cho rằng tự nhiên là tốt nhất. Thế nhưng, bây giờ là thời đại số nên nuôi trồng phải có cơ sở khoa học, có định lượng bằng các xét nghiệm chứ không thể cảm tính bằng những câu chuyện hay ho. Ví dụ, với vùng đất phèn thường có các kim loại độc hại, phải dùng khoa học kỹ thuật để xử lý đất an toàn trước khi canh tác chứ không phải tự nhiên là sạch 100%. Mô hình của chúng tôi "thuận tự nhiên" theo kiểu tận dụng các ưu thế bản địa, ứng dụng khoa học công nghệ để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu thị trường chứ không làm theo kiểu bỏ mặc" - ông Cung tiết lộ.
Chị Mayu Ino - người Nhật Bản, nổi tiếng tại Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS (hệ thống bảo đảm cùng tham gia) quy mô nhỏ - từng chia sẻ sai lầm của mình khi đánh giá một vùng canh tác an toàn bằng cảm tính.
"Đó là một vùng canh tác thuộc vùng sâu, vùng xa, không có nhà máy, xí nghiệp, không khí rất trong lành, không có nguồn ô nhiễm. Nông dân đã tiến hành một số bước để sản xuất hữu cơ nhưng sau đó phải loại ra vì kết quả kiểm nghiệm đất bị nhiễm kim loại độc hại. Hỏi ra mới biết khu vực này trước kia là kho chứa vật tư nông nghiệp. Sau này, chúng tôi luôn kiểm tra đất, nước ở vùng dự định chuyển đổi hữu cơ, nếu đạt mới để nông dân đăng ký tham gia để khỏi uổng công họ" - chị Mayu Ino nêu bài học kinh nghiệm.
Bình luận (0)