Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu; đồng thời khẳng định trách nhiệm của nước ta trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển.
Nông nghiệp thích ứng thuận thiên không phải là vấn đề mới mà đã được xác định rõ trong chủ trương, nghị quyết, quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL. Khu vực này đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, như: Lúa - tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng; nuôi tôm sạch dưới tán rừng ở Cà Mau; cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu ở Bến Tre; các mô hình sinh kế thích ứng trên đất giồng ven biển ở Trà Vinh… Các mô hình này cần được tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng trong phạm vi từng tiểu vùng thích hợp, trên cơ sở tôn trọng giá trị nhân văn, kiến thức bản địa kết hợp với tri thức công nghệ hiện đại và tư duy hệ thống, chứ không phải bằng kinh nghiệm đơn thuần.
ĐBSCL đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, có thể là hình mẫu phát triển, nâng cao sức chống chịu, thích ứng và vươn lên mạnh mẽ của một đồng bằng trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động tiêu cực của vấn đề nước xuyên biên giới.
Để chủ động thích ứng, cần tổ chức huy động nguồn lực phát triển nhiều hơn, sử dụng công nghệ tốt hơn và thường xuyên tăng cường hợp tác quốc tế. Tư duy thích ứng đó cần được nâng lên thành định hướng "3 chuyển dịch": Chuyển lịch thời vụ "né hạn, mặn", sử dụng giống thích ứng hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để bảo đảm sự chuyển đổi thành công, không duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.
Để nâng tầm thích ứng của người dân trước thách thức mới, chính quyền các tiểu vùng ven biển, với vai trò kiến tạo của mình, cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp đa dạng, từ nặng về số lượng sang chất lượng và giá trị. Cần tiếp cận tổng thể, tích hợp chứ không thể phát triển lẻ mẻ từng mô hình rồi nhân rộng một cách cứng nhắc. Cần lấy tài nguyên đất và nước - được ví như đôi chân phát triển đồng bằng - làm yếu tố cốt lõi. Khai thác thổ nhưỡng phải gắn với từng tiểu vùng sinh thái.
Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển với mục tiêu đưa vùng này thành nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư cùng với các cộng đồng dân cư chung sống thịnh vượng, năng động để tạo ra giá trị mới cho vùng.
Theo đó, cần tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế điều phối vùng, tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng Điều phối vùng. Ngoài ra, cần tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân.
Bình luận (0)