Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh Thanh Hóa đã và đang đạt được những bước tiến vượt bậc, số lượng xã đạt chuẩn NTM thuộc tốp đầu cả nước. Để hướng tới một nền nông nghiệp "xanh", bền vững, Thanh Hóa tập trung xây dựng NTM dựa vào nông nghiệp bằng những mô hình độc đáo không những giúp xanh hóa nông thôn mà người nông dân cũng có được cuộc sống tốt đẹp trên đồng đất của mình.
Nhiều điểm đến độc đáo
Bản Bút (xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trước đây là một bản làng thuần nông, nơi đồng bào Thái chiếm đa số. Người dân chủ yếu sống dựa vào nghề trồng lúa, nương rẫy và lên rừng hái măng, đốn củi nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng bù lại, bản Bút lại được thiên nhiên ưu ái nằm trong thung lũng rộng lớn, được bao bọc xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh, trên đỉnh núi cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển còn có hồ Pha Đay rộng khoảng 2,2 ha là nguồn cung cấp nước cho dân cư sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp nên bản Bút quanh năm mát mẻ, trong lành. Đây cũng chính là điểm nhấn để huyện Quan Hóa xây dựng bản Bút thành điểm đến du lịch cộng đồng độc đáo, hút khách du lịch trong những năm qua.
Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, cho biết năm 2020 xã đã lựa chọn 5 hộ gia đình làm thí điểm dịch vụ du lịch homestay. Mặc dù những ngày đầu bắt tay vào làm du lịch còn bỡ ngỡ; chính quyền đã trực tiếp cùng bà con đi học hỏi các mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Hòa Bình, Sơn La…; đến nay, các hộ làm dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Với mục tiêu phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, tạo tính bền vững cho cộng đồng dân cư, các hộ dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo không gian, sưu tầm những vật dụng, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc để trưng bày, bán lưu niệm cho khách du lịch. Nhờ du lịch cộng đồng mà hầu hết người dân trong bản và một số bản khác trong xã có nguồn thu nhập ổn định qua việc cung ứng thực phẩm "cây nhà lá vườn". Ngoài trồng lúa đơn thuần, bà con đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà bản địa, lợn đen, cá dốc, rau sạch… bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc để cung ứng cho các hộ kinh doanh du lịch. "Không chỉ giúp bà con có hướng đi mới, có nguồn thu ổn định, du lịch cộng đồng cũng từng bước giúp bản Bút hình thành nên khu dân cư an toàn, thân thiện, điểm đến thu hút khách du lịch" - bà Nhị phấn khởi.
Tương tự bản Bút, xã Xuân Thái là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) nhưng nhờ du lịch cộng đồng, đời sống của người dân vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En cũng đang "thay da đổi thịt" từng ngày khi biết tận dụng thế mạnh từ thiên nhiên ban tặng. Hiện nay xã đã hình thành một số điểm đến thu hút đông khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm như các điểm ven lòng hồ Bến En, hang Trư Thạch Sơn… "Từ những ngôi nhà sàn đơn sơ, người dân đã sửa sang, cải tạo lại không gian vườn nhà để nuôi, trồng các sản vật địa phương… Nhờ đó, đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt" - ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, vui mừng cho biết.
Hướng tới sản phẩm du lịch OCOP
Ngoài du lịch cộng đồng, Thanh Hóa hiện nay còn có rất nhiều mô hình du lịch nông nghiệp độc đáo thu hút khách tham quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa như: Nông trại Queen Farm (Quảng Xương), Nông trại T-Farm (Đông Sơn), Làng Du lịch Yên Trung (Yên Định), chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (Như Xuân), mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả công nghệ cao ở các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân; mô hình trồng đào thế, quất cảnh tại huyện Triệu Sơn...
Những mô hình này không chỉ giúp hồi sinh những vùng đất kém hiệu quả, bỏ hoang nhiều năm mà còn góp phần "xanh hóa" nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đơn cử, khu vực cánh đồng làng Đà Ninh, xã Đông Thịnh (huyện Đông Sơn) là vùng chiêm trũng, trồng lúa năng suất kém nên nhiều diện tích bỏ hoang. Một số người dân địa phương đã thuê lại, đào ao, nuôi cá, trồng rau, từng bước hình thành nên mô hình nông nghiệp trải nghiệm thú vị (Nông trại T-Farm), thu hút đông du khách, đặc biệt là học sinh.
Với tổng diện tích hơn 20 ha, Nông trại T-Farm hiện có gần 1 ha nhà lưới trồng dưa công nghệ cao, có các phân khu nuôi ngựa bạch, đà điểu, chim công và nhiều con nuôi đặc sản, kết hợp với khu vui chơi giải trí ngoài trời, hệ thống khuôn viên cây xanh, đã tạo nên một cảnh quan du lịch thân thiện, hấp dẫn... Mô hình này đã gợi mở một hướng đi mới để khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng đất đai của các vùng nông thôn.
Thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn nhiều mô hình điểm du lịch và du lịch cộng đồng có tiềm năng để xây dựng thành các điểm du lịch OCOP như mô hình phát triển du lịch cộng đồng thác Mây (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành); mô hình phát triển du lịch cộng đồng bản Đôn (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước); mô hình phát triển du lịch thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân); mô hình phát triển du lịch hồ Cửa Đạt và mô hình du lịch cộng đồng bản Mạ (huyện Thường Xuân)…
Thanh Hóa đặt mục tiêu đến hết giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh có từ 5 điểm du lịch nông thôn được công nhận OCOP gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Phát triển bền vững
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bố trí không gian phù hợp tiềm năng phát triển du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa bảo đảm điều kiện nghỉ dưỡng thuận tiện cho du khách; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng cao, giúp du khách có được sự trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên trọn vẹn; xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh, quyết tâm đưa du lịch nông thôn Thanh Hóa ngày càng phát triển bền vững.
Bình luận (0)