.Phóng viên: Thưa NSND Kim Cương, điều gì thôi thúc bà nhận lời tham gia đêm nghệ thuật kỷ niệm 10 năm chương trình "Nghệ sĩ tri âm" do HTV thực hiện?
- NSND KIM CƯƠNG: Tình cảm quá lớn của các anh chị ở HTV khiến tôi không thể từ chối, dù biết sức khỏe của mình không còn như xưa.
Nhìn lại 10 năm chương trình "Nghệ sĩ tri âm", tôi mang ơn quá nhiều những nhà hảo tâm, bạn bè và nhất là khán giả. Tôi mang ơn từ từng món quà như: đường, sữa, quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến... cho đến tiền mặt được khán giả gửi đến để trao tặng nghệ sĩ nghèo, già yếu, neo đơn, bệnh tật.
Đêm kỷ niệm 10 năm chương trình "Nghệ sĩ tri âm" không phải vinh danh tôi, mà là để cảm ơn những tấm lòng của công chúng, là niềm động viên để tôi làm tốt sứ mệnh của mình.
.Nhiều khán giả nôn nao khi biết bà sẽ tái diễn vai Diệu trong trích đoạn cuối của vở "Lá sầu riêng". Cô Diệu ở tuổi 87 có gì khác với cô Diệu ngày xưa?
- Khác nhiều chứ! Cô Diệu giờ đã mất mẹ, đã làm bà nội của 5 đứa cháu và nhớ khán giả đến cháy lòng.
Trong giới nghệ sĩ chúng tôi, có được vai diễn được xem là Tổ nghề dành cho mình thì hạnh phúc lớn lắm. Ngày đó, khi truyền hình - lúc ấy còn tivi trắng đen - phát vở "Lá sầu riêng", đường phố vắng vẻ hẳn vì nhiều khán giả ở nhà chờ xem.
Sau ngày đất nước thống nhất, vở "Lá sầu riêng" của Đoàn Kịch nói Kim Cương tiếp tục đi lưu diễn khắp nơi trên cả nước. Đoàn đi đến đâu, khán giả cũng gọi tôi bằng cái tên cô Diệu.
.Sau chương trình "Tạ ơn đời", gần như bà lui về hậu trường, chuyên tâm làm từ thiện. Tái diễn vai cô Diệu sẽ là bước ngoặt để bà lưu lại trong ký ức khán giả tình cảm đẹp đối với một nghệ sĩ?
- Tôi kỳ vọng như thế. Tôi còn trĩu nặng nỗi niềm khó tả. Đó là mỗi năm trôi qua lại có thêm bạn bè đồng nghiệp rời xa tôi mãi mãi.
Tôi nhớ những năm đầu thực hiện "Nghệ sĩ tri âm". Khi đó, tôi vẫn còn nhận được sự góp ý, nhắc nhở của GS-TS Trần Văn Khê. Rồi lần lượt sau đó, GS-TS Trần Văn Khê qua đời, tiếp theo là sầu nữ Út Bạch Lan, nghệ sĩ Kim Giác, Ngọc Hương, Thiên Kim, Thanh Tú, Mộng Lành, họa sĩ Hoài Nam, Điền Phong, Bạch Mai, Kim Phượng, Mai Lan, Tùng Lâm, Hề Sa, Mai Thành... Trái tim tôi quặn thắt mỗi lần rà lại danh sách nhận quà Tết hằng năm và thấy mất đi vài đồng nghiệp thân thương.
.Bà được xem là một nghệ sĩ thực hiện 4 vai trò đều xuất sắc: trưởng đoàn, tác giả, đạo diễn và diễn viên chính. Phải chăng đó là định mệnh?
- Vào những năm 1960-1970 chỉ có cải lương chiếm lĩnh các rạp, kế đến là những chương trình đại nhạc hội.
Nhiều ban kịch thời đó hình thành chỉ để thực hiện vở ngắn. Rồi các buổi chiếu phim cũng phụ diễn kịch ngắn do các tài tử đóng để tăng cường sự hấp dẫn của mỗi suất chiếu. Diễn trọn vẹn vở kịch thì chưa. Vậy là tôi tiên phong làm. Lúc đó, nếu nhờ người khác sáng tác, đạo diễn lại tốn kém nên tôi ôm đồm luôn các khâu, làm riết rồi quen.
Đoàn Kịch nói Kim Cương là đơn vị nghệ thuật đầu tiên trình diễn kịch tại Sài Gòn thời đó. Với mỗi vai trò, tôi phải trả giá khá nhiều. Vì từ bàn tay trắng làm nên, chưa có lối đi nào trước đó để mình trải nghiệm nên tôi rất vất vả.
Sau đó, tôi đã dìu dắt thế hệ kế tiếp, gầy dựng một ê-kíp trẻ trưởng thành như: Tú Trinh, Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi, Hữu Châu, Minh Hạnh, Long Hải, Lê Công Tuấn Anh, Việt Phong, Hồng Điệp, Kim Điệp...
.Với những bài học đáng quý từ vai diễn để đời, bà có muốn truyền đạt lại thế hệ trẻ?
- Những năm còn trẻ, tôi được nhà nước cho sang Bulgaria học đại học đạo diễn cùng với Bạch Tuyết, Kim Cúc. Về lại đoàn, tôi áp dụng những điều đã học để xây dựng các vở diễn với hình thức dàn dựng mới cho thương hiệu của mình.
Lúc đó, sát cánh bên tôi có Đoàn Khoa, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Minh Nguyệt… Rồi tôi mời các đạo diễn như Trần Minh Ngọc, Đoàn Bá, Lê Văn Tĩnh, Thanh Hạp tiếp ứng, thực hiện những vở diễn thật mới lạ.
Từ đó, một loạt tác phẩm mới ra đời, làm thay đổi diện mạo của Kịch nói Kim Cương như: "Con nai đen rừng Đế Thích", "Vực thẳm chiều cao", "Huyền thoại mẹ", "Lôi vũ", "Bông hồng cài áo", "Tanhia", "Trà Hoa Nữ"… Qua mỗi vở diễn, tôi đều gửi gắm bài học làm nghề, kỹ thuật hóa thân của riêng mình cho thế hệ trẻ.
Gần đây, khi Ban Lý luận Phê bình - Hội Sân khấu TP HCM tổ chức các hoạt động giao lưu và truyền nghề, tôi đã đến và nói chuyện, truyền năng lượng tích cực cho thế hệ diễn viên trẻ.
.Bà băn khoăn nhất điều gì hiện nay, trước xu thế nở rộ các loại hình giải trí trên mạng xã hội?
- Tôi từng nhiều lần lên tiếng với các cơ quan chức năng khi có quá nhiều show diễn trên truyền hình, trên các nền tảng số khai thác sự dung tục, nói bậy, diễn xàm của một bộ phận diễn viên, ca sĩ.
Má tôi - cố NSND Bảy Nam - từng nói nghệ thuật là cái đạo, nó cải huấn con người, giúp ngăn chặn, loại bỏ những suy nghĩ thấp kém để nhận thức ngày càng tốt hơn. Thế nhưng hiện nay, với sự vô ý hoặc cố tình chạy theo lợi nhuận, danh tiếng của nơi sản xuất, diễn viên, ca sĩ tham gia game show, nhiều chương trình thực tế đã tiếp tay kéo thấp thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng.
Tôi mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp chấn chỉnh những điều chưa tốt này, để vườn hoa nghệ thuật luôn tươi đẹp.
Chương trình nghệ thuật vinh danh NSND Kim Cương nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện "Nghệ sĩ tri âm" sẽ tổ chức tại Nhà hát HTV vào tối 28-1-2024. Đêm nghệ thuật ý nghĩa này có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Lệ Thủy, ca sĩ Elvis Phương, NSƯT Diệu Hiền, nghệ sĩ lão thành Ngọc Đáng, NSƯT Hữu Châu, diễn viên Lương Thế Thành, Lê Phương...
Chương trình còn tặng quà cho 10 nghệ sĩ tiêu biểu, trao học bổng NSND Bảy Nam cho 10 học sinh hiếu học là con em của nghệ sĩ nghèo.
Bình luận (0)