Lễ hội do Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Gò Vấp phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, hội Liên hiệp phụ nữ, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, Mạng xã hội Du lịch Ẩm thực Việt Nam (Food Travel Vietnam) tổ chức.
Đến tham dự khai mạc có bà Trịnh Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM; bà Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Chánh văn phòng Sở Du lịch TP HCM…

NSND Thanh Thúy (thứ hai từ phải sang) tại khai mạc Lễ hội "Áo bà ba 2025" chủ đề "Sắc màu Quê hương Gò Vấp"

NSND Thanh Thúy cùng các đại biểu duyên dáng với áo bà ba và khăn rằn

Lễ khai mạc quy tụ nhiều đại biểu tham gia

NSND Thanh Thúy phát biểu tại lễ khai mạc
Tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Gò Vấp, chia sẻ: "Trong không khí hân hoan, phấn khởi của nhân dân TP HCM nói chung, quận Gò Vấp nói riêng đang hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), chúng ta cùng hội tụ về đây để tham dự Lễ hội "Áo bà ba 2025" - một sự kiện mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ, nhằm tôn vinh nét đẹp bình dị mà duyên dáng của chiếc áo bà ba - biểu tượng của người Nam bộ hiền hòa, chân chất".
Lễ hội "Áo bà ba 2025" tổ chức trong 2 ngày là 12 và 13-4 với các nội dung: "Diễu hành Áo bà ba với xe đạp"; "Triển lãm ảnh đẹp Áo bà ba qua các thời kỳ"; "Hội thi thiết kế Áo bà ba nổi 3D trên khổ giấy A0"; "Trưng bày, may và bán sản phẩm Áo bà ba"; "Phiên chợ quê với các mặt hàng nông sản, các loại bánh dân gian Nam Bộ"; "Hội thi Duyên dáng Áo bà ba"; "Chương trình văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước".
"Lễ hội Áo bà ba không chỉ là dịp cùng nhau chiêm ngưỡng vẻ đẹp truyền thống qua các hoạt động trình diễn, các cuộc thi mà còn là dịp để giao lưu, kết nối, quảng bá hình ảnh đất và người Gò Vấp đến bạn bè gần xa. Lễ hội cũng mang mục đích góp phần quảng bá, phát triển tour du lịch "Gò Vấp - trăm năm tìm lại dấu xưa"…" - bà Nguyễn Thị Lan nói thêm.
NSND Thanh Thúy phát biểu: "Chiếc Áo bà ba gắn liền với hình ảnh, nét văn hóa, những giá trị mang tính nhận diện, nét đặc trưng của con người Nam Bộ nói chung và người phụ nữ Nam Bộ nói riêng. Bên cạnh đó, hình ảnh chiếc khăn rằn, nét giao thoa văn hóa độc đáo của người Kinh, người Khmer, người Hoa.
Hình ảnh chiếc khăn rằn đó trở thành một vật lưỡng dụng. Nó không chỉ giúp cho người nông dân che nắng, che mưa, lau đi giọt mồ hôi trên đồng áng hay người phụ nữ trở nên duyên dáng hơn và người đàn ông rất mạnh mẽ năng động trong cuộc sống. Hình ảnh chiếc khăn rằn còn gắn với hình ảnh cô Ba Định, cô Nguyễn Thị Bình và một biểu tượng của "anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang".

Cùng cắt băng khai mạc

Chụp ảnh lưu niệm

Đoàn đại biểu thưởng lãm triển lãm ảnh đẹp Áo bà ba qua các thời kỳ

"Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, chiếc áo bà ba không chỉ dừng lại là một trang phục lưỡng dụng mà sẽ được giới trẻ yêu mến và lan tỏa nét đẹp văn hóa đó thông qua sự yêu thích của mình. Tôi tin rằng từ lễ hội đầu tiên này, quận Gò Vấp sẽ tiếp tục nhân rộng và tổ chức thành lễ hội thường niên để trở thành nét đẹp Gò Vấp, nét đẹp vùng đất giàu truyền thống văn hóa và hào sảng của người Nam Bộ" - NSND Thanh Thúy nói.




Tiết mục văn nghệ trước lễ khai mạc

Một gian hàng tại lễ hội


Bình luận (0)