Chiều 26-12, đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang đã biểu diễn phúc khảo vở cải lương sử Việt "Khúc tráng ca thành Gia Định" (tác giả Phạm Văn Đằng, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ).
Vở cải lương kể về tấm gương anh hùng yêu nước của Võ Duy Ninh, người đã được vua thăng làm Tổng trấn Định - Biên, quản nhiệm hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa.
Đó là giai đoạn ông vừa đến Gia Định nhậm chức được hai ngày thì quân Pháp nổ súng tấn công Cần Giờ - Gia Định. Cuộc chiến đấu chống giặc Pháp từ Cần Giờ đến thành Gia Định diễn ra trong gần một tháng trời với sức mạnh nhờ vào vũ khí nên quân Pháp đã công kích thành.
Nhận thức được tiềm lực của quân Pháp, một mặt Võ Duy Ninh tìm cách gọi quân cứu viện từ các tỉnh đến cứu thành Gia Định, một mặt chấn chỉnh đội ngũ và tinh thần binh lính.
Khi quân Pháp ồ ạt tiến vào cửa thành, bắn phá các pháo đài dọc sông và tiến thẳng vào thành Gia Định, Võ Duy Ninh đốc thúc quân đội kháng cự dũng mãnh, song không giữ nổi thành trước binh lực mạnh áp đảo của địch.
Trong trận đánh, ông cũng trúng đạn trọng thương bất tỉnh, ông được quân sĩ cõng về làng Phước Lý thuộc huyện Phước Lộc. Sau khi tỉnh dậy, biết được quân Pháp đã chiếm được thành Gia Định, ông đã rút gươm tự sát.
Triều đình đã phong Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển vào Gia Định thành tiếp ứng. Con trai Võ Duy Ninh là Võ Duy Lập nối chí cha tham gia nghĩa quân, quyết đánh đuổi quân xâm lược.
NSƯT Lê Tứ đã hóa thân xuất thần vào hai vai kép lão, đó là vai Võ Duy Ninh và Nguyễn Tri Phương, cả hai vai diễn đều được anh đầu tư sáng tạo để có nét diễn khác nhau, thể hiện khí thế hào hùng của nhân vật.
NSƯT Lê Tứ đã nghiên cứu từ cử chỉ, dáng đi, cách thoại và cách ca, nhất là vai Võ Duy Ninh phải thể hiện các cung bậc tâm lý của nhân vật, lúc thì lo toan cho vận mệnh nước nhà, lúc thì đau đớn trước cảnh giặc Pháp phá thành Gia Định.
Do vậy, NSƯT Lê Tứ đã thể hiện xuất sắc vai diễn mang lại nhiều cảm xúc, khiến người xem thêm yêu sử Việt và yêu kính các vị anh hùng của dân tộc.
Vở cải lương sử Việt "Khúc tráng ca thành Gia Định" còn có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Trọng Nghĩa (Phó Đô Đốc Genouilly), nghệ sĩ Điền Trung (Phạm Thế Hiển), Nguyễn Văn Mẹo (vua Tự Đức), Hoàng Hải (Võ Duy Lập), Nguyễn Văn Hợp (Trương Văn Uyển - Tổng đốc Vĩnh Long), Hiền Linh (Bố chánh Vũ Thực), Trọng Hiếu (Án sát Lê Từ), Thanh Hải (Phan Khắc Thận - Tổng đốc An Hà), Dương Phước Hoàng (người dân Gia Định), NSƯT Tú Sương (Ngọc Hà), NSƯT Lê Hồng Thắm (Đào Thị Thạnh - vợ Võ Duy Ninh), NSƯT Thy Trang (Hồng Liên), Trúc Phương (Nữ binh Ngọc Trúc), Như Ý (Nữ binh Ngọc Hoa) và Vũ đoàn Phương Việt, nhóm võ thuật Nguyễn Lâm.
Với nỗ lực tạo cơ hội để các diễn viên trẻ thể hiện các nhân vật lịch sử dân tộc, nên đạo diễn Hoa Hạ đã dành nhiều thời gian chăm chút cho các diễn viên. Vở sử Việt "Khúc tráng ca thành Gia Định" cũng ghi nhận sự trưởng thành của tác giả trẻ Phạm Văn Đằng.
Tác giả trẻ Phạm Văn Đằng công tác tại Phòng Nghệ thuật Nhà hát Trần Hữu Trang, được giới chuyên môn đánh giá cao về nỗ lực sáng tác. Từ những bài ca cổ đến những ca cảnh cải lương, anh đã cung cấp cho nhiều diễn viên trẻ tiết mục để tham dự các cuộc thi nghệ thuật sân khấu.
Đây là kịch bản sử Việt đầu tiên anh viết về vùng đất Gia Định, góp phần quảng bá và lan tỏa tinh thần yêu sử Việt trong cộng đồng thông qua sân khấu cải lương.
.
Bình luận (0)