Điều này có thể xảy ra sớm nhất là vào năm 2070 nếu không giảm được tình trạng băng tan và khí thải. Tồi tệ hơn là kịch bản nước biển dâng cao 3 m trong 1 hoặc 2 thiên niên kỷ tới. Viễn cảnh đó thậm chí có thể đến sớm hơn - vào đầu những năm 2100.
Vào thời điểm nước biển dâng cao, 13 cảng có lưu lượng siêu tàu chở dầu cao nhất thế giới sẽ bị hư hại nghiêm trọng. Trong đó, 2 cảng Ras Tanura và Yanbu ở Ả Rập Saudi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Cả 2 cảng đều do Công ty Dầu nhà nước Aramco điều hành và là nơi 98% lượng dầu xuất khẩu của quốc gia này đi qua.
Các cảng dầu Houston và Galveston ở Mỹ - quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới - cũng nằm trong danh sách dễ bị thiệt hại, bên cạnh một số cảng ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Trung Quốc, Singapore và Hà Lan.
Báo The Guardian dẫn lời Giám đốc ICCI Pam Pearson cho rằng thật trớ trêu khi các cảng dầu này bị nhấn chìm bởi hiện tượng nước biển dâng, vốn xuất phát từ khủng hoảng khí hậu do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo bà, nước biển dâng là tác động lâu dài và sâu rộng nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, vẽ lại bản đồ thế giới và ảnh hưởng đến nhiều thành phố lớn. Tuy nhiên, vì lợi ích ngắn hạn của nhiên liệu hóa thạch, tác động này đang bị làm ngơ.
"Băng tan nhanh và đại dương mở rộng đã khiến mực nước biển dâng nhanh gấp đôi trong 30 năm qua. Nếu các nhà lãnh đạo không quyết tâm dứt bỏ nhiên liệu hóa thạch, những tác động khủng khiếp của nước biển dâng sẽ chỉ tăng thêm, ảnh hưởng đến mọi quốc gia có bờ biển, bao gồm cả những nước tiếp tục cản trở các nỗ lực khử carbon" - ông James Kirkham, cố vấn khoa học trưởng tại ICCI, cảnh báo.
Bình luận (0)