Mô hình nuôi trồng tôm, cua gắn với ruộng lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn góp phần hấp thụ carbon, giảm phát thải khí nhà kính..., phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững
Đi dọc các tuyến đường tại vùng ngọt hóa Cà Mau - Bạc Liêu, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đồng lúa bạt ngàn cùng hoạt động thu hoạch tôm, cua… tất bật của người dân.
"Con tôm ôm cây lúa"
Tại Cà Mau, diện tích sản xuất theo mô hình tôm - lúa là 43.000 ha với khoảng 20.000 hộ dân tham gia, tập trung nhiều tại các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời…
Vào mùa nắng, khi độ mặn trong đồng ruộng cao, người dân thả nuôi tôm sú, tôm thẻ, cua biển theo hình thức quảng canh; không cần cho ăn và không sử dụng kháng sinh. Mùa mưa, khi độ mặn thấp, người dân thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Những sản phẩm từ mô hình nuôi trồng thuận theo tự nhiên này được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao vì sạch và thân thiện với môi trường.
Tại tỉnh Bạc Liêu, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mô hình nuôi trồng tôm - lúa được người dân địa phương áp dụng từ năm 2001. Từ hơn 5.850 ha ban đầu, đến nay, mô hình này đã có gần 46.490 ha.
Ông Trần Hoàng Tâm (ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho hay gia đình ông đã nhiều năm gắn bó với cách thức nuôi trồng "con tôm ôm cây lúa". Trung bình mỗi vụ nuôi, ông lãi trên 100 triệu đồng - cao hơn nhiều so với việc độc canh cây lúa.
"Khi rễ cây lúa bắt đất, chúng tôi đưa nước vào ruộng rồi mua tôm giống về thả nuôi. Việc canh tác lúa giúp độ phù sa, chất dinh dưỡng trong đất không ngừng được cải thiện nên thức ăn cho tôm cũng phong phú, hạn chế được dịch bệnh và giúp chúng lớn nhanh. Sau khi thu hoạch lúa, người dân nuôi tôm thêm một thời gian ngắn là có thể bán" - ông Tâm khẳng định.
Theo ông Lê Văn Mưa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Lúa - Tôm Trí Lực (tỉnh Cà Mau), mỗi năm, người dân canh tác được 2 vụ tôm sú và 1 vụ lúa - tôm. Với diện tích 1 ha, tôm sú cho sản lượng hơn 400 kg/2 vụ và lúa hữu cơ đạt trên 6,5 tấn/vụ.
Tôm sú đạt tiêu chuẩn ASC (xác nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản - một tổ chức quốc tế - đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường) được Tập đoàn Minh Phú thu mua với giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, lúa hữu cơ được một công ty ở tỉnh An Giang thu mua giá cao hơn những loại lúa bình thường 1.500 -2.000 đồng/kg.
Ông Mưa giải thích: "Để sản xuất lúa hữu cơ, người dân không sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ… Cơm từ loại lúa này vừa dẻo, thơm ngon vừa bảo đảm an toàn cho người dùng. Gạo hữu cơ hiện bán trên thị trường với giá 79.000 đồng/kg".
Nhân rộng mô hình, phát triển bền vững
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đánh giá canh tác lúa - tôm là cách thức sản xuất đặc trưng, phù hợp với những vùng đất nhiễm mặn. Mô hình này góp phần đa dạng đối tượng nuôi, mang lại thu nhập khá cao cho người dân.
Ông Vũ nhấn mạnh: "Canh tác lúa - tôm còn được xem là một trong những giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính, giúp hấp thụ khí carbon…, phù hợp với xu thế phát triển xanh, bền vững; mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Với mô hình này, chưa kể sản phẩm lúa, năng suất thủy sản chung (tôm, cua) bình quân khoảng 550 - 600 kg/ha/năm".
Theo quy hoạch, Cà Mau sẽ trở thành trung tâm nuôi tôm sú sinh thái (tôm - rừng, tôm - lúa, tôm hữu cơ) lớn của cả nước. Ngành chức năng địa phương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; xây dựng vùng nuôi quy mô lớn theo hướng tập trung và chủ động các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Cà Mau sẽ hỗ trợ người dân thành lập các mô hình kinh tế tập thể, như hợp tác xã; tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, ngành NN-PTNT Cà Mau sẽ làm đầu mối để gắn kết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, cung cấp đầu vào với những hộ nuôi trồng để phát triển bền vững.
Trong khi đó, Bạc Liêu đã đầu tư hệ thống công trình cống cấp thoát nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp nói chung và mô hình tôm - lúa nói riêng. Tỉnh đã và đang xây dựng thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu theo hình thức nhãn hiệu, chứng nhận; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi trồng tôm - lúa đạt 60.000 ha.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho hay địa phương đã triển khai hỗ trợ một số hợp tác xã tại các huyện Hồng Dân, Phước Long… ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất mô hình luân canh tôm - lúa. Đây là tiền đề, bước đệm quan trọng để Bạc Liêu tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này trong những năm tiếp theo.
Còn tiềm ẩn rủi ro
Mô hình sản xuất tôm - lúa có ưu điểm là đầu tư thấp mà mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được đông đảo người dân ở ĐBSCL áp dụng. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang phải đối mặt một số khó khăn, cần sớm được tháo gỡ để phát triển bền vững.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau nhìn nhận việc điều chỉnh quy hoạch để thích ứng với biến đổi khí hậu chưa thực hiện kịp thời nên một số nơi đã xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch. Việc sản xuất ở nhiều nơi còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ nên đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng "được mùa mất giá" và ngược lại.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống thủy lợi, làm cống ngăn mặn mùa khô và giữ ngọt trong mùa mưa còn hạn chế. Vì vậy, việc sản xuất tôm - lúa của người dân vẫn còn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai...
Bình luận (0)