Ông nội mắc chứng cườm nước, thời còn giặc giã không được điều trị đến nơi đến chốn nên mù lòa khi mới ngoài 40. Từ ngày vĩnh viễn mất đi ánh sáng, ông trở nên khó tính, dễ cáu gắt, cộc cằn. Chỉ những lúc uống trà là ông khuây khoả, gương mặt cũng trở nên lành hiền nhẹ nhõm.
Sáng nào ông cũng dậy sớm, lần vách xuống bếp nấu nước. Lọ mọ, rờ rẫm từng món từ cái bật lửa, bao lá dừa, củi khô, vỉ lò, ấm đun đến cái cà ràng, ông thận trọng nhóm lò. Cũng mấy lần lửa xém vách, may có người trông thấy mới không xảy ra hoả hoạn nhưng ông nội vẫn không bỏ trà được. Ấm trà buổi sáng có lẽ là niềm vui duy nhất tuổi xế chiều của ông.
Trà hồi ấy không đắt nhưng nhà thiếu trước hụt sau nên lâu lắm mới mua được một gói 100 g. Tôi nhớ đó là hiệu trà ba con cua số 8 màu đỏ. Thứ trà chát lá to ướp hương lài.
Bao giờ được mua cho trà ông đều rất mừng. Lại mò mẫm ông khui trà rồi chia ra thành nhiều nhúm nhỏ gói trong những tờ giấy lịch. Gói trà nhỏ xíu mà ông phân tận vài chục nồi. Một nửa ông cất vào lon guigoz để mang ra pha uống hàng ngày, còn lại thì vài gói đút dưới chân cặp lư đồng, vài gói nhét vào phía sau những tấm tranh kiếng. Đó là của ông để dành khi "ngặt" hoặc lúc nhà có khách thì vẫn luôn còn trà để mời.
Mời trà khi khách đến chơi nhà dường như đã trở thành nếp của người Việt xưa nay. Những cuộc hàn huyên của xóm giềng, của cố nhân lâu ngày gặp lại hình thành từ những chung trà. Ông nội luôn dành những gói trà nhỏ nhiều lần không dám uống để chờ bạn đến thăm mình.
Noi theo ông nội, ba tôi hiện giờ cũng ghiền trà. Từ trà Long Phụng, trà sâm dứa Bảo Lộc hay sau này là trà Tân Cương, trà Shan tuyết cổ thụ. Mỗi lần có dịp đi công tác về vùng trà, tôi đều cố công tìm mua. Chỉ tiếc một điều là bây giờ ông nội đã không còn nữa.
(Bài dự thi cuộc thi "Cảm tưởng về cà phê - trà Việt" thuộc chương trình "Tôn vinh cà phê - trà Việt" lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).
Bình luận (0)