Những lúc rảnh rỗi, một nhà nào đó trong xóm lại nấu ấm chè xanh, gọi nhau qua uống, cùng hàn huyên, tán gẫu. Hàng xóm, có khi đang làm lụng việc gì đó trong nhà, ngoài vườn cũng tạm thời bỏ dở để qua uống bát nước chè xanh. Ở quê tôi uống nước chè bằng bát. Tùy theo khẩu vị mà nấu nước chè đặc, loãng. Nếu chè đặc, thì nước óng vàng, uống vô chát đầu lưỡi, không quen dễ bị cồn cào trong bụng. Nước chè loãng thì dễ uống, thơm nhẹ. Tùy theo mùa, sẽ có thêm rổ lạc, khoai luộc hoặc bất kỳ củ, quả nào đó trồng được trong vườn mà ăn trong lúc uống chè xanh, thì còn gì bằng!
Tôi còn nhớ những xế trưa êm đềm, công việc đã rảnh rỗi, không khí xóm làng tươi vui, bố thường kêu chúng tôi nấu ấm nước chè xanh rồi sai chạy dọc 2 đầu xóm đến nhà mời các chú, bác đến nhà chơi, nói chuyện thời sự, chuyện xóm làng. Chúng tôi, những đứa trẻ ham chơi, phải bỏ những trò đang chơi dở dang, chạy ù đến nhà từng chú, bác mà hét rõ to: "Chú Phụng ơi, dượng Dụng ơi... bọ (từ xứ Nghệ dùng để gọi bố) mời chú, dượng sang uống nước mới". Nước mới là cách gọi của quê tôi về nước đầu của trà, bởi sau đó vẫn có thể nấu tiếp để uống lại các nước sau.
"Nồi cơm nấu dở/Bát nước chè xanh/Ngồi vui kể chuyện/Tâm tình bên nhau...", những câu thơ của Hoàng Trung Thông, nhà thơ xứ Nghê, cho thấy một nét văn hóa, quây quần tình làng nghĩa xóm.
(*)Bài dự thi cuộc thi "Cảm tưởng về cà phê - trà Việt" thuộc chương trình "Tôn vinh cà phê - trà Việt" lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức.
Bình luận (0)