Là khách hàng thường xuyên của ứng dụng gọi xe Grab, chị Hải Anh (quận 4, TP HCM) gần đây nhận thấy mức cước cho quãng đường quen thuộc từ nhà đến cơ quan đã tăng nhẹ. Vào trang web chính thức của Grab, chị mới biết thông tin khách hàng sử dụng một số dịch vụ của Grab phải trả thêm phí nền tảng 1.000 - 3.000 đồng từ ngày 19-2. Trong đó, mức phí 1.000 đồng/chuyến với các dịch vụ GrabBike, GrabExpress; 2.000 đồng/chuyến với GrabCar; 3.000 đồng/chuyến với GrabExpress Siêu Tốc.
Không riêng Grab, ứng dụng Be cũng bắt đầu thu phí nền tảng từ ngày 1-4 với mức bằng 6,377% tổng số tiền mỗi chuyến xe, áp dụng với tất cả dịch vụ trên toàn quốc. Tương tự, từ tháng 4, Gojek Việt Nam phụ thu phí nền tảng 1.000 đồng cho mỗi chuyến GoBike; sau đó, tăng lên mức 2.000 đồng vào khung giờ cao điểm tại Hà Nội và TP HCM kể từ ngày 25-5.
Trước thông tin hãng xe công nghệ lần đầu thu phí nền tảng, đối tác tài xế và khách hàng đều băn khoăn việc mức phí này sẽ áp dụng cho đối tượng nào? Trả lời chúng tôi, Grab cho biết thu phí nền tảng không ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế bởi được tính vào cước phí di chuyển của hành khách, sau đó khấu trừ qua ví tài khoản của đối tác tài xế. Nhiều hãng khác cũng khẳng định việc thu phí nền tảng không gây thiệt hại cho đối tác tài xế của họ. Như vậy, hãng xe công nghệ thu khoản phí này được xem như tăng cước đối với khách hàng.
Việc thu phí nền tảng của doanh nghiệp công nghệ cần được thông báo tới cơ quan quản lý và khách hàng .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về lý do thu phí nền tảng, Grab giải thích mục đích mang đến nhiều lợi ích mới cũng như tăng thêm những lợi ích hiện có cho hành khách, bao gồm: mở rộng phạm vi bảo hiểm tai nạn cá nhân, hoàn thiện tổng đài hỗ trợ các trường hợp liên quan đến tai nạn, nhiều tính năng an toàn mới và các chương trình đào tạo kỹ năng tốt hơn dành cho đối tác tài xế. Theo đó, mức bảo hiểm tối đa dành cho đối tác tài xế và hành khách của một số dịch vụ sẽ tăng gấp 4 lần so với hiện tại. Đồng thời, đối tác tài xế sẽ được áp dụng chính sách bảo hiểm trong suốt thời gian họ di chuyển trên đường khi đang hoạt động trên nền tảng ứng dụng Grab Driver.
Nhấn mạnh việc thu phí nền tảng đã được thông báo tới Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật và thông tin tới tất cả khách hàng qua hòm thư của ứng dụng, Gojek cho biết số tiền thu được sẽ được sử dụng để triển khai các sáng kiến liên quan đến việc nâng cao trải nghiệm cho khách hàng nhằm mang lại cho khách hàng những chuyến đi tin cậy, an toàn và thoải mái hơn. Ngoài ra, góp phần xây dựng các chương trình hỗ trợ, đào tạo đối tác tài xế và đẩy mạnh chất lượng dịch vụ.
Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng tuy mức phí thu thêm trên mỗi chuyến xe không quá lớn nhưng hãng xe công nghệ cần thông báo rõ ràng đến cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng để bảo đảm tính minh bạch. "Mỗi chuyến xe được thiết lập thông qua ứng dụng được coi như một hợp đồng dân sự, chịu sự quy định của cơ quan quản lý nhà nước về giá. Nếu thêm quy định thì cần thông báo, nếu không sẽ bị coi là một loại lạm thu trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng" - luật sư Hướng nhận định.
Ngoài ra, theo Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 áp dụng từ ngày 1-4, các hãng xe công nghệ được coi là đơn vị kinh doanh vận tải bình đẳng như các hãng taxi khác. Do vậy, việc khai báo tăng cước là cần thiết để cơ quan thuế kiểm soát hoạt động tuân thủ pháp luật về thuế của doanh nghiệp, tránh thất thu thuế ở phần thu tăng thêm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo, hỗ trợ tài xế là trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng công nghệ, không thể tăng thu phí từ khách hàng để bù đắp chi phí phục vụ đối tác tài xế.
Bình luận (0)