Trong một lần đi siêu thị được nhân viên bán hàng tư vấn nấu ăn bằng bếp điện từ (bếp từ) sẽ giúp món ăn ngon hơn, bà Trương Thúy Minh - ngụ quận 7, TP HCM - quyết định mua bếp. "Người bán nói bếp từ an toàn tuyệt đối vì chỉ nóng khi tiếp xúc với nồi bằng vật liệu nhiễm từ nên khi nấu xong, tôi chủ quan làm vệ sinh bếp và bị phỏng tay. Sợ quá, tôi dẹp luôn" - bà Minh kể. Bà Minh là một trong số khá nhiều người nội trợ từng bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện rồi quay trở về bếp gas vì nhiều lý do. Trong đó, giá điện tăng cao cũng góp phần làm nhiều người quay lại dùng bếp gas.
Bếp từ, bếp hồng ngoại giá càng rẻ càng dễ hư hỏng
So với vài năm trước, giá bếp hồng ngoại, bếp từ đã rẻ hơn rất nhiều. Giá bếp từ, bếp hồng ngoại loại 1 có thương hiệu trong nước hoặc khu vực ASEAN và Trung Quốc từ 600.000 đồng cho đến gần 2 triệu đồng; bếp đôi loại thông thường có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Bếp xuất xứ châu Âu có giá khá cao: bếp đôi điện từ Apex xuất xứ Ý gần 17 triệu đồng, bếp hồng ngoại Amica xuất xứ Ba Lan 12,5 triệu đồng, bếp Steiger xuất xứ Đức 19,5 triệu đồng.
Ngoài ra, trên thị trường còn nhiều loại bếp từ hoặc hồng ngoại có giá bán rất rẻ, chỉ hơn 200.000 đồng đến 350.000 đồng. Những bếp này mang thương hiệu lạ, nguồn gốc không rõ ràng nhưng được quảng cáo phóng đại để bán hàng. Chẳng hạn, bếp từ, bếp hồng ngoại thương hiệu G. giới thiệu sử dụng mặt kiếng cường lực, chịu nhiệt tốt, hệ thống kiểm soát nhiệt chính xác và có gần 10 chế độ nấu, tiết kiệm điện tối đa (nhưng không cung cấp thông số cụ thể). Bếp thương hiệu N. có công suất lên đến 2.000 W, màn hình led, đa chức năng nấu, hẹn giờ, khóa an toàn. Bếp C còn có cả chức năng nhận diện kích cỡ xoong nồi, phím cảm ứng siêu nhạy, bảo vệ quá nhiệt, tự động tắt sau 2 giờ nếu bị bỏ quên…
Theo kỹ sư Tống Kim Ty, những loại bếp giá rẻ này hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó bao gồm hàng nhập tiểu ngạch nên chất lượng rất tệ và mau hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Quan trọng hơn, do sử dụng linh kiện chất lượng kém, không đúng kỹ thuật nên dễ bị rò rỉ điện, hư mạch điện điều khiển hoặc dây dẫn bị quá tải dẫn đến nóng chảy, chạm mạch gây hư hỏng và mất an toàn cho người sử dụng. Ông Lê Hữu Thái - chuyên sửa chữa bếp từ, bếp hồng ngoại khu vực chợ Nhật Tảo, TP HCM - cho biết bếp "dỏm" thường ghi công suất rất cao lên đến 2.000 W, đó chỉ là thông số ảo, chỉ khoảng 1.500 W trở xuống nên thời gian nấu nướng kéo dài, gây hao điện (hàng tốt phải có công suất từ 1.800 W trở lên).
Kỹ sư Tống Kim Ty lưu ý người dùng khi chọn mua bếp từ hay hồng ngoại nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như mục đích sử dụng. Nồi bằng thủy tinh, nồi nhôm, nồi đất sẽ không sử dụng được cho bếp từ; còn bếp hồng ngoại sử dụng được cho tất cả các loại nồi.
Bình luận (0)