Một chiếc máy tăm nước Oral B WaterJet có giá 1,7 triệu đồng được rao bán trên website Kenhxachtayduc.com, trong khi giá bán loại này trên sàn thương mại điện tử Shopee là hơn 1,6 triệu đồng, còn trang bán hàng trực tuyến Chiaki.vn chỉ hơn 1,5 triệu đồng. Với dòng sản phẩm máy tăm nước từ Nhật, giá bán đắt hơn, thường trên dưới 2 triệu đồng/chiếc. Còn với máy xuất xứ Trung Quốc, giá bán trên các trang thương mại điện tử xoay quanh 600.000 - 700.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, trên thị trường còn có thiết bị xịt tia nước giá bán lên đến 3 triệu đồng, được giới thiệu sử dụng công nghệ siêu âm cùng 10 chế độ áp suất và 5 chế độ làm sạch răng, như tạo tia nước siêu âm, tia nước trộn khí, tia nước phun, tạo vi bọt khí...
Máy tăm nước có 2 loại chủ yếu, dành cho cá nhân và cho gia đình. Máy dành cho cá nhân có thiết kế khá đơn giản, nhỏ gọn, thuận tiện cầm nắm trong lòng bàn tay và linh kiện được tích hợp trong tay cầm. Loại này có từ 3-9 đầu xịt, phần tay cầm chỉ gắn chức năng điều chỉnh áp suất tia nước. Với loại dành cho gia đình, các hãng tung ra nhiều thiết kế phức tạp, máy chủ yếu có hình khối, bên trong tích hợp các linh kiện và hộp chứa nước. Dòng máy gia đình có nhiều mức công suất tia nước với đầu phun nước xoay 360 độ; 11 đầu xịt tiêu chuẩn, gồm cho lưỡi, vùng nha chu… Tất nhiên, dòng máy dành cho gia đình có giá bán đắt hơn đáng kể so với cho cá nhân.
Các loại thiết bị chăm sóc răng miệng được bán nhiều trên thị trường
Một loại máy chăm sóc răng khác trên thị trường cũng rất được lòng khách hàng là bàn chải đánh răng điện sử dụng pin. Theo giới thiệu của nhân viên bán hàng, tốc độ hoạt động của đầu bàn chải từ 6.000-8.000 vòng/phút, có cơ chế hoạt động xoay tròn bao quanh răng với lông bàn chải có độ nghiêng gần 20 độ. Đặc biệt, bàn chải điện có tích hợp đồng hồ bấm giờ với thời gian hoạt động 2 phút và có chức năng thông báo sau 30 giây hoạt động để người sử dụng di chuyển đầu bàn chải sang khu vực khác. Loại bàn chải này còn có bộ cảm biến áp lực có chức năng đo lực tác động của đầu bàn chải lên bề mặt răng. Trường hợp lực quá mạnh, thân bàn chải sẽ rung lên báo động cho người sử dụng biết để điều chỉnh cho hợp lý. Giá của sản phẩm này cũng khá phong phú, từ khoảng gần 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/chiếc tùy xuất xứ, nhãn hiệu.
Gần đây, máy lấy cao răng được nhiều khách hàng tìm mua bởi sự tiện lợi của nó. Chị Hoàng Anh Thảo (ngụ quận 5, TP HCM) tỏ ra rất hài lòng bởi chỉ với chiếc máy lấy cao răng giá khoảng 200.000 đồng, chị có thể tự chăm sóc răng miệng tại nhà, không cần phải tới phòng khám răng để lấy cao răng thường xuyên nên giảm bớt được một phần chi tiêu. "Tôi được nhân viên bán hàng cho biết khi cắm điện trực tiếp, đầu máy rung nhẹ nhàng với khoảng 3.000 rung động/phút) nhằm loại bỏ mảng bám trên răng. Loại máy này còn được tích hợp đèn LED ngay đầu máy để người sử dụng dễ dàng quan sát răng trong vùng tối" - chị Thảo cho biết.
Giới chuyên môn khuyến cáo: Khi dùng các loại máy làm sạch răng miệng, người sử dụng nên lưu ý một số điểm. Chẳng hạn, đầu bàn chải điện và đầu tăm nước sau một thời gian có thể bị mòn, cần phải thay thế bằng phụ tùng tương tự với giá khoảng 200.000 - 500.000 đồng/chiếc (đầu bàn chải điện) và khoảng 120.000 - 200.000 đồng/chiếc (đầu tăm nước). Mức giá này không hề rẻ nếu so với việc mua một sản phẩm mới, trong khi đó, không phải các loại đầu bàn chải, đầu tăm nước bán rời trên thị trường đều phù hợp với máy đang sử dụng mà phải lựa chọn đúng loại.
Giới chuyên môn cũng cho rằng máy tăm nước chỉ là sản phẩm hỗ trợ, không thể thay thế được bàn chải đánh răng thông thường. Còn đối với bàn chải điện, nếu lạm dụng quá mức, không kiểm soát được tốc độ của đầu bàn chải sẽ dễ dẫn đến bào mòn răng, ảnh hưởng men răng, thậm chí làm tổn thương nướu, gây chảy máu. Do đó, trẻ em, người lớn tuổi không nên sử dụng bàn chải điện để tránh gây ảnh hưởng đến răng miệng khi không kiểm soát được tốc độ. Đối với máy lấy cao răng sử dụng điện trực tiếp, người dùng cần hết sức thận trọng với các vấn đề về rò rỉ điện, đặc biệt tránh tiếp xúc với nguồn nước.
TS-BS Hồ Nguyễn Thanh Chơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Răng Hàm Mặt Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết máy tăm nước có thể làm sạch ở những vị trí khó làm sạch, rất phù hợp cho những người đang trong quá trình niềng răng, sử dụng răng giả hoặc người tàn tật. Tuy nhiên, chỉ có bàn chải thông thường mới làm sạch được các bề mặt trước, sau và trên của răng. Bàn chải thông thường cũng được coi là dụng cụ làm sạch tốt nhất và an toàn nhất hiện nay.
TS-BS Hồ Nguyễn Thanh Chơn khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng máy lấy cao răng bởi việc tự ý sử dụng sẽ dễ dẫn đến tổn thương răng hàm. "Sử dụng thiết bị lấy cao răng nên là những người có chuyên môn, kỹ thuật về nha khoa. Người không có chuyên môn về răng, hàm nếu tự lấy cao răng bằng máy tại nhà có thể làm tổn thương nướu, chảy máu, mòn răng" - ông Chơn cho biết.
Bình luận (0)