Ông Nguyễn Đức Hà - chủ garage ô tô tại quận 5, TP HCM - cho biết số lượng khách đến sửa chữa xe hư hỏng do ngập nước gần đây tăng mạnh. Xe thủy kích chủ yếu bị hư hỏng hệ thống điện, tay piston bị cong, bể lốc máy... "Với những linh kiện hư hỏng nhẹ, chúng tôi có thể tân trang hoặc dễ dàng thay thế với chi phí không quá cao. Riêng xe bị bể lốc máy thì phải thay máy mới để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, việc thay động cơ mới vừa tốn chi phí cao vừa mất thời gian làm hồ sơ, thủ tục với cơ quan chức năng nên nhiều chủ xe rất e ngại" - ông Hà cho biết.
Theo một số garage ô tô ở TP HCM, bên cạnh một số chủ xe "cắn răng" chấp nhận bỏ tiền thay máy mới thì nhiều người muốn "bùa" lại qua loa với chi phí thấp nhất rồi bán lại để tránh phải sửa chữa nhiều lần gây tốn kém.
Trong mùa mưa, chủ phương tiện nên quan sát mực nước, nếu nước ngập sâu thì không nên di chuyển tiếp mà chọn tuyến đường khác hoặc chờ nước rút. Ảnh: LÊ VĨNH
Anh Trần Văn Quỳnh - chủ một garage ô tô ở quận Bình Tân, TP HCM - cho biết thời gian gần đây nhận nhiều đơn đặt hàng "độ" xe bị thủy kích. Các chủ xe chủ yếu đề nghị tận dụng tối đa bộ phận đã hư hỏng, hạn chế thay mới mà chỉ ép hoặc hàn lại. "Dù phục chế tốt đến đâu cũng khó đưa chiếc xe trở lại trạng thái ban đầu. Linh kiện đã bị hư hỏng hoặc tác động vào thì khi vận hành sẽ không còn nhạy và không còn đạt độ chính xác cao. Ngoài ra, động cơ hoạt động yếu hơn, máy kêu to, xe bị rung lắc" - anh Quỳnh cho hay.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, kỹ sư ô tô, phụ trách kỹ thuật tại Saigon Auto (TP Thủ Đức, TP HCM), phân tích khi nước tràn vào, tiếp xúc với động cơ sẽ tạo lực ép lớn, đối đầu với áp lực từ các piston đang đẩy mạnh lên. Nếu người sử dụng xe vẫn khởi động máy thì lượng nước tràn vào càng nhiều, lực càng mạnh, khiến các tay biên piston bị biến dạng, thậm chí bị gãy, hỏng hóc. Hậu quả là làm giảm sút chất lượng hoạt động của xi-lanh, gây thủng hoặc vỡ lốc máy. Ngoài ra, nước xâm nhập còn khiến hệ thống điện của xe bị hư hỏng, thậm chí có nguy cơ gây cháy nổ. Khoang nội thất cũng sẽ bị ẩm mốc, làm giảm giá trị chiếc xe.
"Khi lưu thông trên đường vào mùa mưa, chủ phương tiện nên quan sát mực nước, nếu nước ngập sâu thì không nên di chuyển tiếp mà chọn tuyến đường khác hoặc chờ nước rút. Khi xe bị thủy kích khiến động cơ ngừng hoạt động, không được khởi động máy tiếp, cần nhanh chóng gọi lực lượng cứu hộ đưa xe đến garage kiểm tra" - ông Hoàng khuyến cáo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu chủ xe mua bảo hiểm thì sẽ được bồi thường trong trường hợp bị thủy kích, mức bồi thường từ 30%-70% chi phí sửa chữa. Lưu ý, nếu cố tình khởi động máy khi động cơ ngừng hoạt động do ngập nước thì sẽ không được phía bảo hiểm chi trả.
Bình luận (0)