Dạo một vòng các đại lý ôtô tại TP HCM, chúng tôi ghi nhận không khí ảm đạm, vắng vẻ dù hầu hết dòng xe đều được giảm giá rất mạnh và tặng kèm nhiều ưu đãi. Không chỉ vắng khách mua xe mà khách tới tham quan, tìm hiểu cũng rất thưa thớt. Thậm chí, nhiều đại lý chấp nhận cho khách đặt cọc mua xe trước để được hưởng nhiều ưu đãi trong tháng "cô hồn" mà không cần giao xe ngay, có thể qua tháng sau mới lấy xe về, nhưng cũng không lôi kéo được khách hàng.
Mức giảm giá, ưu đãi trong tháng này có thể coi là lớn nhất năm. Khách hàng không chỉ được miễn, giảm lệ phí trước bạ mà còn được giảm thêm trực tiếp vào giá xe, tặng quà, tặng gói phụ kiện trị giá lớn. Chẳng hạn, nhiều đại lý Ford giảm giá lên tới 165 triệu đồng cho khách mua xe trong tháng 8; đồng thời, tặng gói phụ kiện như phủ ceramic, tặng camera, lót sàn, dán phim và hỗ trợ 100% phí trước bạ.
Với khách hàng mua xe Subaru, đại lý ưu đãi khoảng 190-240 triệu đồng tiền mặt tùy chiếc, tặng thêm gói bảo dưỡng miễn phí 2 năm. Volkswagen tặng 1 năm bảo hiểm vật chất. Toyota tặng 1 năm bảo hiểm miễn phí, gói bảo dưỡng miễn phí trong 3 năm cho mẫu xe Fortuner song song với giảm ngay tiền mặt gần 100 triệu đồng/chiếc. Tương tự, Isuzu giảm lệ phí trước bạ 50%, giảm tiền mặt đến 70 triệu đồng…
Đại lý ôtô vắng vẻ do ảnh hưởng quan niệm kiêng mua sắm vào tháng 7 âm lịch
Các đại lý xe cho hay sau khi đợt dịch Covid-19 thứ nhất qua đi, nhà kinh doanh ôtô chưa kịp hồi sức thì đã lại lâm vào cảnh lao đao bởi đợt dịch thứ 2 bùng phát ở Đà Nẵng. Nay, tháng "cô hồn" tới khiến đại lý khó càng thêm khó. Ông Thái Văn Thành, người quản lý một đại lý ôtô quận Tân Bình (TP HCM), cho biết thị trường ôtô đang rơi vào thời điểm khó khăn nhất trong năm bởi chịu nhiều tác động kép từ dịch bệnh cũng như từ quan niệm kiêng kỵ mua nhà, mua xe… trong tháng 7 âm lịch của phần đông người Việt. Bởi vậy, dù các hãng, đại lý chạy đua giảm giá, tặng quà nhiều nhất có thể nhưng cũng không cải thiện được sức mua.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng ghi nhận tồn kho ôtô trong quý II/2020 khá cao, ở mức 129,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nhu cầu về ôtô giảm 28% so với cùng kỳ, dẫn đến nhiều mẫu xe tiếp tục phải hạ giá. Ngoài ra, một loạt mẫu xe mới ra mắt gần đây cũng khiến các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiêu thụ xe tồn kho với giá lỗ.
Về mặt chính sách, do dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến ngành ôtô nên Chính phủ đã chấp thuận giảm 50% lệ phí trước bạ cho các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này giúp thị trường sôi động trở lại trong thời gian ngắn ngủi nhưng với những diễn biến bất lợi khác trên thị trường, các nhà sản xuất, kinh doanh cho rằng chính sách cần mạnh mẽ hơn nữa để cứu ngành ôtô thoát khỏi nguy cơ lao dốc.
Bộ Tài chính đang xin ý kiến về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước có thể được gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6 của năm 2020. Thời gian gia hạn là 5 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. "Nếu dự thảo được phê duyệt, chúng tôi được giãn nộp thuế TTĐB đến cuối năm 2020 thì sẽ giảm áp lực rất lớn về mặt tài chính, từ đó có khả năng xoay xở để trụ lại được" - đại diện một doanh nghiệp ôtô nhìn nhận.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!