Thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ sự đồng tình với chủ trường đầu tư dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
"Tỉ lệ nợ công khá thấp 37% là dư địa tốt để huy động thêm khoảng 67 tỉ đô trong vòng 10 năm thì nợ công cũng chỉ tăng lên khoảng 45% GDP, thấp hơn trần nợ công là 60%"- ông Cường nêu.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Theo ông, bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội gồm Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội hay Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM), do nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng là nhà thầu nước ngoài dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, quá trình vận hành, sửa chữa thay thế sẽ lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.
Nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị, ông Cường lo ngại không chỉ rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên bao nhiêu chưa biết và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài.
"Việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ"- đại biểu Cường đề nghị.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết ông đã được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở châu Âu, nên rất khao khát Việt Nam có loại hình giao thông này. Ông cũng nêu rõ vấn đề đầu tư đường sắt cao tốc đã được đề cập nhiều năm trước nhưng chưa thể thực hiện do nhiều lý do, trong đó có vấn đề nguồn lực.
Ông Trần Hoàng Ngân nêu rõ, hiện nay kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp nên hoàn toàn có thể thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao. Vị đại biểu tin tưởng khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động thì sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
Vị đại biểu đoàn TP HCM cũng đặc biệt lưu ý đến các vấn đề về kỹ thuật, an toàn khi triển khai dự án quan trọng này.
Đại biểu Ngân lưu ý với dự án đường sắt tốc độ cao, đặc biệt phải chú trọng yêu cầu về kỹ thuật, an toàn. Đối với nguồn lực thực hiện dự án, ông Ngân đề nghị tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận...
Để đảm bảo tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho rằng cần phải huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án.
Theo ông Sơn, đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ nên cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lượng cao nhất.
Theo đề xuất của Chính phủ, tuyến đường sắt này bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).
Về tiến độ, Chính phủ đề xuất hoàn thành công tác lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế vào năm 2025 - 2026; khởi công dự án năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Bình luận (0)