Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có Tờ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam. Dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm).
Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án ĐSTĐC đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 1,7 triệu tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).
Trong đó ước tính chi phí bồi thường, tái định cư khoảng 5,9 tỉ USD; chi phí xây dựng khoảng 33,25 tỉ USD; chi phí thiết bị khoảng 11,03 tỉ USD; chi phí quản lý dự án khoảng 0,8 tỉ USD); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng khoảng 3,61 tỉ USD; chi phí khác khoảng 0,9 tỉ USD; chi phí dự phòng (gồm lãi vay) khoảng 11,85 tỉ USD.
Tốc độ thiết kế 350 km/giờ
Tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam dự kiến đầu tư công trình tuyến khoảng 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến ĐSTĐC trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024.
Về tiến độ, dự án trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) vào năm 2025-2026. Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án năm 2027. Phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Về nguồn vốn, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD. Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.
Tư vấn đề xuất Dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm). Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Trên cơ sở các phân tích về công năng, công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên, kiến nghị quy mô đầu tư tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam như sau: Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Hướng tuyến ĐSTĐC được Tư vấn nghiên cứu, lựa chọn "ngắn nhất có thể", hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực tập trung đông dân cư, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu; bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Theo Chính phủ, phương án tuyến lựa chọn đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến ĐSTĐC đi qua thống nhất trên nguyên tắc thẳng nhất có thể.
Đối với ga khách, tuyến ĐSTĐC bố trí 23 ga hành khách (mỗi tỉnh bố trí 1 ga, riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận bố trí 2 ga).
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xác định mỗi vị trí ga khách đều quy hoạch không gian phát triển từ 250-300 ha (trừ ga Thủ Thiêm), gồm 3 khu chức năng, gồm khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách; khu vực dịch vụ, thương mại; khu vực đô thị dịch vụ. Trong phạm vi dự án, sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư khu chức năng trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, phần phục vụ cho mục đích dịch vụ, thương mại và khu phát triển TOD sẽ do địa phương kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
Đối với ga hàng: Đề xuất xây dựng 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn: (Thường Tín (Hà Nội); Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam); Cam Ranh (Ninh Hòa, Khánh Hòa) và Trảng Bom (Trảng Bom, Đồng Nai) kết nối với Hà Nội, TP HCM, các cảng biển lớn, khu kinh tế ven biển và kết nối hệ thống đường sắt phục vụ vận tải liên vận quốc tế, thuận lợi cho công tác hậu cần phục vụ quốc phòng, an ninh, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha, trong đó có: Đất trồng lúa khoảng 3.655 ha (trong đó đất lúa nước từ hai vụ trở lên là 3.102 ha); đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha. Số dân tái định cư khoảng 120.836 người.
Nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn
Theo Chính phủ, tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam được nghiên cứu trong thời gian dài, do còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế tại thời điểm năm 2010 thấp (Năm 2010, GDP là 147 tỉ USD. Tại thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án khoảng 55,8 tỉ USD, tương đương 38% GDP), nợ công ở mức cao (56,6% GDP) nên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỉ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỉ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Bên cạnh đó, tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị, Chính phủ đã thống nhất chủ trương đầu tư, yêu cầu huy động mọi nguồn lực để triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.
Bình luận (0)