Mới nhậm chức được 3 tháng, Thủ tướng Pháp Michel Barnier buộc phải ra đi hôm 4-12 sau khi các nhà lập pháp từ cả hai phe cánh tả và cực hữu cùng thông qua kiến nghị bất tín nhiệm nhằm vào ông. Diễn biến này đẩy nước Pháp vào tình trạng bất ổn chính trị sâu sắc hơn.
Nội các của ông Barnier dự kiến làm việc trong vai trò tạm quyền cho đến khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm thủ tướng mới. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ không dễ bởi nhà lãnh đạo này buộc phải có bước đi xoa dịu các nhà lập pháp bất mãn với chính quyền ông Barnier.
Tổng thống Macron đã bổ nhiệm ông Barnier làm lãnh đạo chính phủ thiểu số sau khi cuộc bầu cử chia quốc hội Pháp thành ba phe và không phe nào chiếm thế đa số.
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu, đã đổ lỗi cho ông Macron về sự sụp đổ của chính phủ Barnier và cho rằng nhà lãnh đạo này là người chịu trách nhiệm lớn nhất cho tình hình hiện tại. Đối mặt áp lực gia tăng, Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu lúc 20 giờ ngày 5-12 (giờ địa phương), theo Điện Élysée.
Đài CNN nhận định Pháp sắp khép lại một năm đầy biến động mà không có thủ tướng hay ngân sách. Ông Macron buộc phải chọn thủ tướng mới nhưng không dễ tìm được ứng viên nhận được sự ủng hộ từ cả cánh tả lẫn phe cực hữu.
Ngân sách cũng cần được thông qua trước hạn chót ngày 21-12 tới. Nếu bỏ lỡ thời hạn này, chính phủ vẫn có thể ban hành luật để tránh nguy cơ bị đóng cửa bằng cách cho phép họ thu thuế và trả lương với mức chi tiêu được giới hạn ở mức năm 2024.
Trong khi đó, bầu cử quốc hội trước hạn khó có thể diễn ra sớm vì quốc hội hiện tại phải làm tròn một năm sau cuộc bỏ phiếu lần trước (tức đến tháng 6-2025).
Riêng ông Macron dự kiến đối mặt ngày càng nhiều lời kêu gọi từ chức. Các nhà lập pháp, như bà Le Pen, có thể biến đòi hỏi trên thành tối hậu thư để đổi lấy sự ủng hộ dành cho ứng viên thủ tướng mới.
Uy tín của Tổng thống Macron sụt giảm sau khi ông có động thái kêu gọi bầu cử lập pháp sớm để phản ứng lại sự trỗi dậy của phe cực hữu ở châu Âu.
Theo sau cuộc bầu cử không có kết quả rõ ràng, các đảng cánh tả và cực hữu đã gây áp lực lên khối trung dung của Tổng thống Macron, người đang ở giữa nhiệm kỳ thứ 2 và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của mình.
Giờ đây, kết quả cuộc bầu cử khiến những năm tháng còn lại của nhiệm kỳ trên thêm phức tạp, đồng thời làm suy giảm quyền lực của ông Macron cả trong và ngoài nước.
Dự luật ngân sách là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ ông Barnier. Nhà lãnh đạo này đã đề xuất các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 60 tỉ euro để giảm 5% thâm hụt ngân sách vào năm sau. Dù vậy, một số biện pháp trong số này không được lòng các đảng đối lập, như trì hoãn việc tăng lương hưu để phù hợp với lạm phát.
Nợ chính phủ của Pháp hiện tiến gần 111% GDP, mức cao nhất kể từ Thế chiến II. Một phần lý do dẫn đến sự gia tăng này là chính phủ đã chi mạnh để bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Bình luận (0)