xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

3,5 HA ĐẤT ĐẦM BÔNG GIỮA THỦ ĐÔ "BIẾN MẤT" (*): Tiếng nói từ chính quyền

NHÓM PV VP MIỀN BẮC

Trước hiện trạng Đầm Bông, theo Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo TP Hà Nội phải cương quyết xử lý. Dứt khoát không bao che vi phạm thì mới có thể giữ được kỷ cương

Liên quan đến tình trạng lấn chiếm đất Đầm Bông tại phường Định Công (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai rà soát, tổng hợp cung cấp các thông tin liên quan.

"Xử lý phải có lộ trình"

Về phía quận Hoàng Mai, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, thừa nhận khu vực Đầm Bông nằm trong quy hoạch công viên cây xanh, các vi phạm trật tự xây dựng tại khu vực Đầm Bông đã có từ nhiều năm trước.

Quan điểm của quận, trước tiên phải giữ nguyên hiện trạng, không để phát sinh thêm vi phạm. Việc rà soát các công trình vi phạm đương nhiên quận phải có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Minh Tâm thông tin đã có văn bản yêu cầu UBND phường Định Công lưu hình ảnh vệ tinh, chụp hiện trạng từng khu vực, từng nóc nhà, gốc cây và yêu cầu Chủ tịch UBND phường ký vào biên bản. Nếu phát sinh vi phạm nào trên đất nông nghiệp làm rõ ra ngay.

"Hiện nay, chẳng có cái nào phát sinh cả. Hằng tháng quận, phường đều có báo cáo về thực hiện Kết luận 333 năm 2019 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Còn về vấn đề xử lý thì phải có lộ trình" - ông Tâm cho hay.

Phóng viên đặt vấn đề về tình trạng mua bán đất nông nghiệp với giá cao vẫn diễn ra và nhiều người dân đã kiến nghị quận, TP Hà Nội thay đổi quy hoạch đất công viên cây xanh "để hợp thức hóa vi phạm". Ở vế thứ nhất, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai trả lời chính quyền địa phương đã liên tục khuyến cáo người dân mua bán phải tuân theo quy định của pháp luật, còn nếu người dân mua bán chui thì khó phát hiện. Về chuyện thay đổi quy hoạch thì quận không có thẩm quyền thay đổi hay không, quận chỉ kiến nghị ý kiến của cử tri, của nhân dân lên thành phố xử lý.

3,5 HA ĐẤT ĐẦM BÔNG GIỮA THỦ ĐÔ BIẾN MẤT (*): Tiếng nói từ chính quyền - Ảnh 1.

Dù là đất nông nghiệp, khu vực Đầm Bông được âm thầm mua bán, có nơi lên tới 40 triệu đồng/m2

Giống như ông Tâm, ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công, xác nhận các vi phạm ở Đầm Bông đã tồn tại từ nhiều năm trước. Chính quyền phường đang nỗ lực giám sát, đồng thời tuyên truyền trong nhân dân để không phát sinh vi phạm, để người dân không mua bán đất nông nghiệp.

Ngoài ra, "chính quyền phường sẽ tiếp tục rà soát, thống kê các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp ở khu vực Đầm Bông theo yêu cầu của quận. Thanh tra Sở TN-MT Hà Nội năm 2019, sau khi nêu rõ các công trình vi phạm trên địa bàn phường thì đồng thời yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để có những bước xử lý tiếp theo. Những năm gần đây, khu vực Đầm Bông không phát sinh thêm công trình vi phạm nào, từ đầu năm đến nay chính quyền phường cũng đã 2 lần tổ chức múc những vật liệu xây dựng, đất đá mà người dân đổ trộm xuống Đầm Bông" - ông Chiến thông tin.

Cũng theo ông Chiến, chuyện cử tri đề nghị thay đổi quy hoạch thì mới đây quận Hoàng Mai đã gửi kiến nghị của cử tri lên TP Hà Nội. Thành phố đã trả lời khu vực Đầm Bông nằm trong quy hoạch đất công viên cây xanh, hiện chưa đủ căn cứ để thay đổi quy hoạch.

Trách nhiệm đã rõ

KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng tình trạng lấn chiếm đầm, ao, hồ ở TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung diễn ra phức tạp nhiều năm qua. Đã có nhiều diện tích đầm, ao, hồ bị lấn chiếm, bị san bằng. "Trên thực tế, nhiều đầm, ao, hồ ở Hà Nội đã và đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Chúng ta đã phải trả giá đắt cho nạn này. Trách nhiệm là của ai? Tôi nói thẳng trách nhiệm chính ở đây là của chính quyền phường, chính quyền quận... Phải truy trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ phường, quận. Không có gì tự nhiên mà làm được!" - KTS Ngô Doãn Đức nói. Ông nhấn mạnh phải đặt câu hỏi có tình trạng bảo kê, bao che cho vi phạm hay không.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khẳng định đầm, ao, hồ mà bị người dân lấn chiếm thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính quyền địa phương. Quận phải xem xét trách nhiệm của chính quyền phường, thành phố phải xem xét trách nhiệm của chính quyền quận.

"Phải đặt vấn đề có sự bao che, ăn chia, mặc cả với nhau hay không? Tôi nghĩ là có sự bao che của chính quyền địa phương chứ chính quyền mà không buông lỏng thì làm sao người dân lấn chiếm được. Người dân lấn chiếm rầm rộ như thế làm sao cán bộ quản lý trật tự xây dựng, cán bộ địa chính xã, phường, quận không biết được" - ông Phạm Văn Hòa nêu hàng loạt nghi vấn. Ông cho rằng lãnh đạo TP Hà Nội phải nhanh chóng giao thanh tra vào cuộc. Một cái đầm rộng như thế mà bây giờ đã bị lấn chiếm hết thì rất nghiêm trọng.

Cũng theo ông Hòa, lãnh đạo TP Hà Nội phải cương quyết xử lý, dứt khoát không bao che vi phạm thì mới có thể giữ được kỷ cương, phép nước. Trong bối cảnh giá đất ngày càng đắt, nếu để tình trạng này kéo dài thì khu vực Đầm Bông dễ thành "điểm nóng" về an ninh trật tự, về đất đai.

3,5 HA ĐẤT ĐẦM BÔNG GIỮA THỦ ĐÔ BIẾN MẤT (*): Tiếng nói từ chính quyền - Ảnh 2.

Khu vực Đầm Bông nhiều công trình vi phạm nhưng trong 2 năm địa phương mới thống kê được 80 công trình với lý do “tình hình dịch COVID-19 phức tạp” Ảnh: HỮU HƯNG

Liên quan đến việc người dân lấn chiếm đất đầm, ao, hồ rồi lại đề nghị thay đổi quy hoạch, hợp thức hóa vi phạm, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên KTS trưởng TP Hà Nội, cho rằng điều này không thể được. Những khu vực đất đã quy hoạch làm công viên cây xanh thì trước đây các đơn vị liên quan của thành phố đã nghiên cứu kỹ, cần phải tuân thủ.

Đầm, ao, hồ có nhiều giá trị cả về cảnh quan lẫn thoát nước nên việc người dân lấn chiếm đất đầm, hồ, ao như ở Đầm Bông thì quận Hoàng Mai phải lập tức vào cuộc. "Các cơ quan chức năng của thành phố cũng cần phải rà soát lại trách nhiệm từng thời kỳ, cán bộ. Lãnh đạo nào vi phạm thì phải xử lý" - KTS Đào Ngọc Nghiêm nói thêm.

“Đất đai ngày càng có giá, đặc biệt là ở TP Hà Nội. Báo chí phản ánh các thông tin liên quan đến giá đất ở khu vực Đầm Bông, trong đó có nơi lên đến 40 triệu đồng/m2... con số này là rất cao rồi” - đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết.

Báo cáo thành phố trước ngày 31-12

Chiều 16-12, tại cuộc họp báo do UBND TP Hà Nội tổ chức, phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt các câu hỏi liên quan đến loạt phóng sự về 3,5 ha đất Đầm Bông. Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, cho biết sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có các chỉ đạo liên quan.

13-box

Ông Trương Việt Dũng

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiểm tra làm rõ; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu có. Tiếp đó, báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 31-12-2022, thông tin tới báo chí theo quy định.

Không thể hòa cả làng!

Từ khi loạt phóng sự điều tra khởi đăng, bạn đọc đặc biệt quan tâm tới số phận của Đầm Bông, đồng thời bày tỏ sự khó hiểu cũng như bất bình trước phản ứng của chính quyền địa phương trước việc lấn chiếm, mua đi bán lại đất.

Trong khi bạn đọc Lương Vĩnh Linh bỏ lửng câu hỏi: "Ngay giữa thủ đô mà còn thế…" thì bạn đọc Sống Đẹp nhận xét trong ngao ngán: "Câu nói con voi chui lọt lỗ kim tưởng chừng ví von, bóng gió nhưng có thật".

Bạn đọc có nickname DanVN bức xúc: "Thế ai chịu trách nhiệm? Phải hồi tố điều tra, xử lý đến cùng chứ không thể rút kinh nghiệm, khiển trách rồi cho qua". Bạn đọc Dungnt cụ thể điều này hơn: "Lãnh đạo quận, phường sở tại các khóa trước dù nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm trước thực trạng này của Đầm Bông. Không thể hòa cả làng được!".

Theo bạn đọc Manhdung, đất san lấp mặt bằng xây dựng đang rất thiếu và hiếm, nên khai thác đất từng dùng san lấp Đầm Bông để mang đi dùng vào việc san lấp ở nơi khác, trả lại không gian vốn có cho đầm. Tuy vậy, trong xử lý, bạn đọc này nhấn mạnh: "Phải giữ nghiêm phép nước".

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo