Ngày 10-12, TAND TP HCM cho biết đã nhận được kháng nghị của VKSND quận 3 liên quan đến vụ kiện "Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm" giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm Thanh Thúy (sản xuất, kinh doanh nước sơn móng tay, hóa mỹ phẩm) và bị đơn là Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex.
Từ vụ cháy công ty
Theo đơn khởi kiện, ngày 1-10-2013, Công ty Thanh Thúy và Công ty Bảo hiểm Pjico Sài Gòn (công ty con của Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex) ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với tổng số tiền bảo hiểm hơn 6 tỉ đồng. Do có phát sinh lô hàng mới nhập về kho nên Công ty Thanh Thúy tiếp tục ký với Công ty Bảo hiểm Pjico Sài Gòn hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt với lô hàng này. Tài sản được bảo hiểm là hương mùi, màu nước các loại, nguyên liệu tóc, chất nền màu với tổng giá trị hơn 7,3 tỉ đồng.
Trước khi ký hợp đồng, Công ty Bảo hiểm Pjico Sài Gòn đã cử nhân sự xuống thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn để kiểm đếm, tính toán toàn bộ nguyên vật liệu trong kho của Công ty Thanh Thúy và xác định giá trị tài sản.
Các quyết định liên quan đến vụ khiếu kiện của Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm Thanh Thúy
Rạng sáng 23-10-2013, Công ty Thanh Thúy bị cháy và Sở Cảnh sát PCCC TP HCM sau khi dập tắt vụ cháy đã xác định nguyên nhân cháy là do sự cố điện. Cùng ngày, Công ty Bảo hiểm Pjico Sài Gòn chỉ định đơn vị giám định là Công ty United Asia (UAC) cử nhân viên xuống hiện trường để lập biên bản vụ cháy.
Ngày 26-3-2015, UAC phát hành báo cáo giám định cuối cùng xác định thiệt hại và đề nghị Công ty Bảo hiểm Pjico Sài Gòn bồi thường 377,8 triệu đồng cho Công ty Thanh Thúy. Công ty Bảo hiểm Pjico Sài Gòn gửi văn bản đồng quan điểm với UAC chỉ chấp nhận bồi thường 377,8 triệu đồng nhưng Công ty Thanh Thúy không chấp nhận vì cho rằng tổng giá trị hàng hóa bị thiệt hại ước tính hơn 17 tỉ đồng.
Công ty Thanh Thúy khiếu nại, kiến nghị suốt 2 năm nhưng không được chấp nhận nên khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án, do không đồng ý với kết luận giám định của UAC nên Công ty Thanh Thúy yêu cầu tòa trưng cầu giám định, chọn Công ty CP Giám định Năng lượng Việt Nam (EIC) để giám định lại và được công ty bảo hiểm đồng ý. EIC sử dụng chứng cứ của vụ cháy và tài liệu mà UAC giám định trước đây để thực hiện giám định.
Kết quả giám định của EIC cho thấy giá trị tài sản thiệt hại của Công ty Thanh Thúy là 9,27 tỉ đồng. Công ty Thanh Thúy dựa trên kết quả này đã khởi kiện yêu cầu bảo hiểm phải bồi thường 9,27 tỉ đồng (chưa trừ 300 triệu đồng đã ứng trước).
Phía công ty bảo hiểm không đồng ý với kết quả này vì cho rằng EIC không tuân thủ quy định pháp luật giám định và kế toán. Ngược lại, phía Công ty Thanh Thúy cho rằng kết quả giám định là chính xác và đề nghị tòa giữ nguyên báo cáo giám định của EIC.
Đại diện phía công ty bảo hiểm cho rằng để chứng minh thiệt hại, Công ty Thanh Thúy chỉ cung cấp được một số lượng hạn chế các tài liệu. Bộ tài liệu này bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa, đơn đặt hàng năm 2013, sao kê tài khoản ngân hàng, chứng từ mua bán hàng hóa kèm theo giấy tờ giao nhận, tài liệu đối chiếu công nợ của nhà cung cấp.
Theo công ty bảo hiểm, quá trình rà soát hồ sơ do Công ty Thanh Thúy cung cấp thì chỉ một lượng nhỏ hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào, thành phẩm bán ra có sử dụng hóa đơn GTGT, hóa đơn tài chính được cơ quan thuế thừa nhận.
Ngoài ra, đối với hoạt động bán hàng thành phẩm, Công ty Thanh Thúy không có hợp đồng mua bán với người mua, không có giao dịch bán hàng nào thông qua chuyển khoản ngân hàng, biên bản giao nhận hàng hóa. Việc tính toán và đưa ra mức bồi thường của UAC số tiền 377,8 triệu đồng là dựa trên tài liệu Công ty Thanh Thúy cung cấp. Phía công ty bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường cho Công ty Thanh Thúy 300 triệu đồng.
Bồi thường hơn 9,2 tỉ đồng
Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty Thanh Thúy và đại diện Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex vẫn giữ nguyên quan điểm của mỗi bên. Đại diện VKSND quận 3 đề nghị HĐXX TAND quận 3 tạm ngừng phiên tòa để trưng cầu giám định lại về tổn thất đối với Công ty Thanh Thúy.
Lý do VKS yêu cầu dừng phiên tòa là có sự chênh lệch quá lớn về số tiền bồi thường giữa 2 báo cáo giám định của UAC và EIC. Tuy nhiên, đề nghị này của VKS không được tòa chấp nhận.
Khi xét xử, TAND quận 3 đã căn cứ vào kết quả thỏa thuận giữa Công ty Thanh Thúy và công ty bảo hiểm cùng thống nhất chọn EIC là đơn vị giám định thiệt hại của vụ cháy. Ngoài ra, EIC bảo lưu kết quả, khẳng định báo cáo giám định chính xác, trung thực, độc lập khách quan, theo quy định pháp luật và tự chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật về kết luận của mình.
Bên cạnh đó, tòa còn căn cứ vào kết luận nguyên nhân cháy của Sở Cảnh sát PCCC và công ty bảo hiểm đã xác nhận căn cứ các điều khoản, điều kiện của hợp đồng thì nguyên nhân, tổn thất vụ cháy được xác định là thuộc phạm vi bảo hiểm.
Từ những nhận định này, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex phải trả tiền bồi thường cho Công ty Thanh Thúy là 8,9 tỉ đồng (trừ 300 triệu đồng đã ứng trước).
Sau khi bản án được tuyên, VKSND quận 3 đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND quận 3 vì cho rằng chưa bảo đảm tính khách quan trong vụ án. Theo VKS, cùng một bộ tài liệu phục vụ cho việc giám định làm căn cứ xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường nhưng kết quả giám định của 2 cơ quan giám định lại chênh lệch 24,5 lần.
Ngoài ra, đơn khởi kiện ngày 23-9-2016 của nguyên đơn chỉ yêu cầu bồi thường 780 triệu đồng nhưng sau khi có kết quả giám định của EIC, Công ty Thanh Thúy đã yêu cầu bồi thường 9,27 tỉ đồng.
Ngoài ra, VKS cho rằng quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex đã nhiều lần khiếu nại kết quả giám định lần 2 và đề nghị trưng cầu giám định lại do báo cáo của EIC vi phạm Luật Giám định tư pháp và Luật Kế toán. Từ cơ sở này, VKSND quận 3 đề nghị cấp phúc thẩm xử theo hướng hủy án để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Bình luận (0)