xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Án tham nhũng: Ban đầu ghê gớm, sau đơn giản!

NGUYỄN QUYẾT

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ngành kiểm sát phải xây dựng được niềm tin trong dân

Sáng 25-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khóa XIII đã họp phiên bế mạc phiên họp thứ 45. Trước đó, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao.

Chú ý các vụ án xử “quan”

Theo báo cáo của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã thụ lý hơn 1,8 triệu vụ án, giải quyết hơn 1,78 triệu vụ án (đạt tỉ lệ 98,5%). Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đặc biệt đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người vô tội. Từ năm 2011-2015 có 3 trường hợp tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bị cáo không phạm tội, so với nhiệm kỳ trước giảm 2 trường hợp.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận tại phiên bế mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận tại phiên bế mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh: TTXVN

 

Đáng chú ý, các tòa án đã xét xử 1.233 vụ với 2.813 bị cáo vi phạm các tội về tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế. Vào năm 2015, tòa án đã phối hợp với các cơ quan tố tụng hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm về tham nhũng trước Đại hội Đảng XII. Trong quá trình xét xử, khi phát hiện căn cứ cho thấy có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội, tòa án đã yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố thêm bị can.

“Hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng bảo đảm nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của nhà nước. Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng, được giám sát chặt chẽ” - báo cáo nêu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cần làm rõ công tác xét xử của tòa góp phần như thế nào vào kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng. “Bây giờ, người ta kêu nhiều. Qua 5 năm đưa ra xét xử, nhiều vụ án ban đầu thấy ghê gớm lắm nhưng sau lại đơn giản” - đại biểu (ĐB) Ksor Phước nhận xét.

ĐB Ksor Phước khẳng định ông đã nghe một vài điều khiến cử tri chưa yên tâm như có sự can thiệp và có cảm giác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong phạm vi của tòa chưa được triệt để. “Lẽ ra phải đưa vào tội tham nhũng nhưng lại đưa sang tội khác. Tội danh lớn đáng xử thì không xử. Tòa nên làm rõ thêm một số vụ án. Chúng tôi biết không nhiều nhưng vẫn có” - ĐB Ksor Phước nói.

ĐB Ksor Phước đề nghị cần chú ý các vụ án hành chính xử “quan”, xử những người ra quyết định hành chính xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của dân, tổ chức để tạo niềm tin về công lý. Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị đánh giá kỹ về các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng.

Viện kiểm sát đã làm hết vai trò?

Đánh giá về công tác của ngành kiểm sát trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng báo cáo nêu chưa đầy đủ, rõ ràng. “Hoạt động kiểm sát đã làm tốt chưa bởi nhiệm vụ cuối cùng là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công an làm gì, tòa án làm gì, mình đứng ngoài thì vai trò của viện kiểm sát là gì?... Hết nhiệm kỳ, viện trưởng, viện phó VKSND có thể về hưu nhưng viện kiểm sát thì “không có nghỉ hưu” nên phải làm sao cho nhân dân tin tưởng. Năm năm vừa rồi, nhân dân có tin tưởng hơn với hoạt động của viện kiểm sát không? Tôi chưa thấy có câu nào nói cái này cả” - người đứng đầu QH thẳng thắn.

Chủ tịch QH cũng yêu cầu ngành kiểm sát phải đi sâu vào đánh giá, suy nghĩ kỹ hoạt động của ngành mình trong 5 năm qua để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, đội ngũ công chức ở ngành kiểm sát được nhân dân rất tin tưởng, coi trọng. 59 kiểm sát viên cao cấp được bổ sung vừa qua thực sự là những người được nhân dân tin tưởng, tội phạm nhìn thấy là run sợ.

Đi sâu hơn vào phân tích, đối chiếu báo cáo của 2 cơ quan tòa án và viện kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý dẫn chứng từ báo cáo của TAND Tối cao khẳng định án bị sửa, hủy trong 5 năm qua giảm nhiều nhưng báo cáo của VKSND Tối cao lại không đề cập đến. Ông Lý đặt câu hỏi: “Viện kiểm sát đã làm hết vai trò trong vấn đề này chưa?”.

 

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 21-3

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết ngày 21-3 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII. Tại kỳ họp này, QH sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề cụ thể: Xây dựng pháp luật, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, tổng kết hoạt động nhiệm kỳ XIII và công tác nhân sự.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo