Ngày 5-1, Báo Người Lao Động nhận được đơn cầu cứu của 4 người thuộc các gia đình gồm: bà Lại Thị Ngọc Điệp (57 tuổi), Lại Thị Thu Thu (53 tuổi), Lại Thế Thọ (55 tuổi, cùng ngụ TP Bảo Lộc) và bà Lại Thị Xuân (49 tuổi, ngụ TP HCM) liên quan đến vụ việc gia đình 4 người này liên tục nhận được giấy triệu tập từ cơ quan Công an TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Cha mẹ chết để lại khối tài sản lớn khiến anh em ruột xào xáo
Trao đổi với chúng tôi, bà Lại Thị Xuân trình bày: "Chúng tôi 4 người là con của ông Lại Thế Liêm (đã mất 1991) và bà Nguyễn Thị Nguyện (mất năm 2012). Khi mất đi, ba mẹ để lại nhà đất có di chúc, chúng tôi đang quản lý sử dụng. Không hiểu sao, thời gian gần đây, 4 gia đình chúng tôi liên tục nhận giấy triệu tập từ Công an TP Bảo Lộc làm việc liên quan đến nhà đất này".
"Chúng tôi là người dân ít hiểu biết về pháp luật nhưng chúng tôi biết rằng việc cha mẹ chết để lại tài sản cho con được pháp luật bảo vệ. Thế nhưng, Công an TP Bảo Lộc lại liên tục mời chúng tôi lên để làm việc về phần di sản này. Đây là phần di sản thừa kế, nếu các bên liên quan có tranh chấp thì có quyền khởi kiện một vụ án dân sự để yêu cầu tòa án có thẩm quyền phân xử" – bà Xuân bức xúc.
4 chị em trong gia đình tại căn nhà 159 Trần Phú (TP Bảo Lộc) liên tục bị mời lên do tranh chấp.
Bà Xuân cho biết cha mẹ bà chết đi để lại cho 4 chị em một khối tài sản tương đối lớn tại số 159 trung tâm TP Bảo Lộc, tổng diện tích hơn 2 ha, trong đó đất xây dựng (thổ cư) hơn 1.000 m2 (gần 100 m đất mặt đường Trần Phú).
"Trước đây, giá trị đất còn thấp thì anh em sống hòa thuận. Hiện nay đất sốt lên, tổng giá trị tài sản thửa đất rất lớn nên liên tục có người gây phiền hà, tranh chấp phần đất thừa kế này. Gia đình 4 người chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền vào cuộc để chúng tôi yên tâm làm ăn, sinh sống" – bà Xuân bày tỏ.
Căn nhà 159 Trần Phú - nơi xảy tranh chấp là khối tài sản lớn tại khu đất vàng trung tâm TP Bảo Lộc.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với phóng viên, ông Phùng Tất Thành, Trưởng Công an TP Bảo Lộc, cho biết: "Chúng tôi nhận đơn của ông Lại Thế Cần (anh em ruột với 4 người trên - PV) cho rằng có người giả chữ ký trong di chúc để chiếm đoạt tài sản. Theo đúng quy trình xử lý đơn thư tố giác và có dấu hiệu tội phạm thì lực lượng công an vào cuộc xử lý. Hiện vụ việc đang được anh em vào cuộc xác minh điều tra".
Theo luật sư Vũ Văn Biển, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, đây là phần di sản do người chết để lại có di chúc. "Di chúc được công chứng và nội dung trong di chúc phù hợp với quy định pháp luật nên việc tố cáo cho rằng giả mạo di chúc để chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ. Công an TP Bảo Lộc liên tục gửi giấy triệu tập các gia đình trên là có dấu hiệu làm khó người dân. Lẽ ra công an phải hướng dẫn người dân nếu xảy ra tranh chấp về di sản này hoặc yêu cầu công bố văn bản công chứng di chúc trên vô hiệu là thuộc thẩm quyền của tòa án giải quyết trong vụ án dân sự" – luật sư Biển phân tích.
Bình luận (0)