Theo đó, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy quyết định giám đốc thẩm của cấp dưới. Đáng nói là căn cứ để Chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm là dựa vào "tinh thần của án lệ" chứ không phải là tình huống pháp lý tương tự được quy định theo nguyên tắc áp dụng án lệ do chính Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành tại Nghị quyết 04/2019/HĐTP.
Án lệ một đằng, tòa áp dụng một nẻo?
Theo hồ sơ vụ án, nguồn gốc đất tranh chấp thuộc một phần thửa đất có diện tích 10.400 m2 do cụ cố Lê Công Nhu đứng tên quyền sử dụng đất tại bằng khoán số 317 thuộc thửa 225, tọa lạc tại phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM. Trước khi mất, cố Nhu đã chia cho 3 người con là các cụ Lê Thị Đắc, Lê Công Hoán và Lê Thị Đến, mỗi người 3.400 m2 để canh tác, sử dụng. Phần đất thuộc quyền sử dụng của cụ Đến được để lại cho 3 người con là ông Nguyễn Văn Chơn, bà Huỳnh Thị Gái và ông Huỳnh Văn Mẫm. Phần đất của cụ Hoán đã bán cho vợ chồng ông Lê Công Tường - bà Nguyễn Thị Bông.
Theo trình bày của bị đơn Đỗ Thị Liễu, ngày 6-11-1975, cụ Hoán, ông Tường, bà Bông và ông Chơn ký "Tờ chuyển nhượng đất vĩnh viễn" cho ông Lương Minh Nhơn (chồng bà Liễu) 6.000 m2 đất gồm phần cụ Hoán, cụ Đến (được cố Nhu chia thừa kế). Từ khi nhận chuyển nhượng vào năm 1975 đến nay, ông Lương Minh Nhơn đã đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1998. Năm 2000, ông Lương Minh Nhơn chết, bà Liễu cùng các con được hưởng thừa kế phần đất này, làm thủ tục kê khai di sản thừa kế và được cấp GCNQSDĐ vào năm 2001.
Khu vực đất tranh chấp Ảnh: TÙY VĂN
Trong khi đó, về phía nguyên đơn, ông Chơn trước sau khẳng định không bán, không ký tên vào "Tờ chuyển nhượng đất vĩnh viễn"; ông Chơn và các đồng thừa kế của cụ Đến đã tranh chấp kéo dài nhiều năm với phía bị đơn.
Đến năm 2017, ông Chơn khởi kiện ra tòa yêu cầu bà Liễu trả lại toàn bộ phần đất đang sử dụng có nguồn gốc của ông. Vụ án được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm. Tại quyết định giám đốc thẩm ngày 8-11-2019 của TAND Cấp cao tại TP HCM phán quyết: Chấp nhận kháng nghị ngày 12-9-2019 của VKSND Cấp cao tại TP HCM, hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm ngày 24-4-2019 của TAND TP HCM, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm ngày 18-10-2019 của TAND quận 12. Theo đó, TAND Cấp cao tại TP HCM chấp nhận việc ông Chơn đòi lại đất, buộc bà Liễu giao trả toàn bộ phần đất đã chiếm giữ của ông Chơn.
Vụ việc tưởng chừng kết thúc, bất ngờ ngày 21-10-2020, Chánh án TAND Tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm ngày 8-11-2019 của TAND Cấp cao tại TP HCM theo hướng đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định giám đốc thẩm ngày 8-11-2019 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM, giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm ngày 24-4-2019 của TAND TP HCM. Cũng tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên, TAND Tối cao đã viện Án lệ 33/2020/AL ngày 5-2-2020.
Quyết định kháng nghị cho rằng theo tinh thần của Án lệ 33 thì "cá nhân được nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì thì tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất".
Ông Chơn cho rằng căn cứ pháp luật mà TAND Tối cao nêu trong quyết định kháng nghị là hoàn toàn không phù hợp. Bởi lẽ phần đất đang tranh chấp không phải là đất được nhà nước giao hoặc cấp "nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất" - như tình huống án lệ đặt ra. Việc viện dẫn Án lệ 33 để kháng nghị trong trường hợp này là thiếu thuyết phục. Theo điều 8, Nghị quyết 04/2019/HĐTP ngày 18-6-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, án lệ được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án phải bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự. Với quy định này, nếu các vụ án, tình huống pháp lý không tương tự thì không được áp dụng án lệ để xét xử.
Chữ ký nghi giả, vẫn được công nhận
Một vấn đề cũng được đặt ra là "Tờ chuyển nhượng đất vĩnh viễn" ngày 6-11-1975 của các ông bà Lê Công Hoán, Lê Công Tường, Nguyễn Văn Chơn và Nguyễn Thị Bông có được xem là hợp pháp hay không?
Xuyên suốt quá trình khiếu nại và khởi kiện, ông Chơn khẳng định bản thân bị mù trước thời điểm có tờ giấy chuyển nhượng 6 năm; ông Chơn cũng không biết chữ, không biết viết. Bản án sơ thẩm, giám đốc thẩm đều xác định chứng cứ ông Chơn bị mù là có thật. Quyết định giám đốc thẩm cũng nhận định ông Chơn ký vào tờ giấy khi bị mù là không phù hợp thực tế, không đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ một người mù thì đương nhiên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không thể tự ký tên, ghi tên vào "Tờ chuyển nhượng đất vĩnh viễn". Hơn nữa, phía trên tờ giấy này ghi "Nguyễn Văn Chơn" nhưng phần chữ ký thì ghi "Lê Văn Chơn". Như vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy chữ ký, chữ viết ghi họ và tên ông Chơn trong tờ giấy này là giả mạo. Nếu TAND Tối cao xem xét và chấp nhận đây là giao dịch dân sự hợp pháp là tạo một tiền lệ nguy hiểm, làm xói mòn lòng tin của người dân vào sự công minh, khách quan của cơ quan tư pháp.
Bình luận (0)