Chiều nay 13-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty PVC tiếp tục với phần bào chữa của luật sư.
Luật sư Nguyễn Chiến bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên phó tổng giám đốc PVN, cho rằng tội của nhóm các bị cáo ở PVN không phải là tội cố ý làm trái.
Quang cảnh phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm ngày 13-1 - Ảnh: TTXVN
Đối với bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đã nhận trách nhiệm của người được phân công và đã làm hết trách nhiệm của mình. Về việc cáo buộc của VKS cho rằng các bị cáo Khánh "quanh co chối tội", bị cáo Khánh không thành khẩn nhận tội, luật sư Chiến cho rằng theo Bộ luật tố tụng hình sự, không có từ nào là "quanh co chối tội" mà chỉ đề cập đến thành khẩn khai báo.
"Khai báo ở đây là khai báo hành vi thực hiện, còn tội danh nào thì trách nhiệm của cơ quan tố tụng xác định hành vi khai báo đó để xác định"-luật sư Chiến phân tích. Theo luật sư Chiến, hoàn toàn không có điều nào thể hiện rằng các bị cáo không khai nhận tội, quanh co chối tội sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Quyền của họ là khai báo hoặc không khai báo. "Đã là quyền thì không thể coi đó là quanh co, chối tội được"- Luật sư Chiến phân tích.
Ngoài ra, luật sư Chiến cho rằng, ông Khánh cũng đã tích cực với cơ quan điều tra. Mặc dù, khi bị cơ quan điều tra triệu tập, ông Khánh đang là đại biểu Quốc hội và đang tham dự kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV nhưng khi có triệu tập vẫn tự giác hợp tác. "Tại phiên tòa, ông Khánh đã trả lời đầy đủ với 1 thái độ hợp tác, điều này HĐXX phải đánh giá hết sức đầy đủ để xem xét giả nhẹ cho ông Khánh"-luật sự Chiến đề nghị. Đặc biệt, qua phân tích đánh giá, phân tích của nhiều luật sư, ông Khánh xin HĐXX xác định lại tội danh và hướng tới tội danh nhẹ hơn với nhóm bị cáo ở PVN. "Điều 165 là tội cố ý làm trái có hình phạt nghiêm khắc, theo quan điểm của chúng tôi nhóm các bị cáo ở PVN mắc phải là Thiếu trách nhiệm quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự 2009 thì sẽ phù hợp hơn. Chúng tôi mong HĐXX xem xét cho các bị cáo ở hành vi sai phạm này"- luật sư Chiến đề nghị.
Cũng theo luật sư Chiến, câu chuyện đội vốn và chậm tiến độ thì không thể tránh khỏi với các dự án lớn. "Chúng tôi đánh giá rất nhiều tại Hà Nội đang chậm tiến độ như thế này. Nếu như cứ đánh giá chậm tiến độ như vậy thì bị truy tố và ra tòa hết"-luật sư Chiến nói.
Phân tích tiếp về vấn đề này, luật sư Chiến cho rằng cách xác định thiệt hại phải chuẩn mực theo trình tự pháp lý. Đó là thiệt hại trong hình sự, thiệt hại ngoài hợp đồng. "Trên cơ sở, người gây ra phải có lỗi nên thiệt hại thực tế tính được, đếm được, chứ không phải thiệt hại mang tính trìu tượng để từ đó căn cứ để xử lý hình sự"-luật sư Chiến phân tích. Theo luật sư Chiến, trong một vụ án lớn thế này để tránh nó thành cáo buộc, thành tiền lệ, án lệ. Đặc biệt, nguyên tắc quan trọng của tính toán thiệt hại, nguyên tắc tránh nhiệm hình sự vẫn phải được coi trọng.
Cuối cùng theo luật sư Chiến, trong vụ án này nhóm như bị cáo Khánh phạm phải có hành vi tính chất hạn chế nhất. Với chức vụ phó tổng giám đốc PVN nhưng ông Khánh được giao mảng hạn chế hơn, thậm chí hạn chế hơn ở các đơn thành viên. "Một người không tham ô, tham nhũng nhưng nộp một số tiền đáng kể để khắp phục hậu quả thì có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ. Qua đó, mong HĐXX xem xét để giảm nhẹ cho bị cáo Khánh"-luật sư Chiến đề nghị.
Trước đó, Cơ quan tố tụng xác định ông Nguyễn Quốc Khánh có hành vi đồng phạm với ông Đinh La Thăng trong việc chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Ngoài ra, bị cáo Khánh còn bị cáo buộc tham gia chỉ đạo cấp dưới căn cứ hợp đồng trên tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng để Trịnh Xuân Thanh sử dụng hơn 1.100 tỉ đồng trái mục đích gây thiệt hại hơn 119 tỉ đồng.
Cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 119 tỉ đồng
Ngày 2-7-2010, PVN phê duyệt dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVPower (thuộc PVN) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỉ đồng, tương đương gần 1,7 tỉ USD.
Ngày 28-2-2011, ông Vũ Huy Quang, tổng giám đốc PVPower và Vũ Đức Thuận, tổng giám đốc PVC, ký Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (Hợp đồng tổng thầu EPC số 33) về việc thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng...
Ngày 13-5-2011, PVN, PVPower và PVC đã ký Hợp đồng số 4194/HĐ-DKVN chuyển đổi chủ thể Hợp đồng EPC số 33. Theo đó chuyển chủ đầu tư dự án từ PVPower sang PVN.
Theo cơ quan điều tra, đến ngày 11-10-2011, PVC mới chính thức là nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ ngày 28-4-2011 đến ngày 12-7-2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 1.300 tỉ đồng và hơn 6,6 triệu USD.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22-11-2017, Nhà nước mới thu hồi được gần 1.100 tỉ đồng, thiệt hại hơn 119 tỉ đồng.
Bình luận (0)