Ngày 21-7, các cơ quan tố tụng tại TP HCM cho biết đã nhận được đơn của 3 công ty yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 8 tỉ đồng.
Theo đó, Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến (viết tắt là Công ty Đồng Tiến) yêu cầu bồi thường hơn 3,8 tỉ đồng, Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) hơn 2 tỉ đồng và Công ty TNHH SX & TM Việt Thành (Công ty Việt Thành) hơn 2,2 tỉ đồng.
Nhận tiền rồi không thực hiện hợp đồng
Năm 2008, Công ty Đồng Tiến ký hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng và thuê đất của Công ty TNHH TM DV Đ.L (Công ty Đ.L). Theo thỏa thuận, Công ty Đ.L cho Công ty Đồng Tiến thuê cơ sở hạ tầng và thuê đất tổng diện tích 34.271 m2 ở KCN Đức Hòa IIIA ở Long An. Theo hợp đồng, thời hạn hoàn thiện hạ tầng chậm nhất là ngày 31-12-2008 với giá 270.600 đồng/m2, tổng giá trị chuyển nhượng là 9,2 tỉ đồng.
Công ty Đồng Tiến sẽ thanh toán tiền cho Công ty Đ.L 2 lần. Tuy nhiên, ngày 12-3-2008, Công ty Đ.L gửi văn bản yêu cầu Công ty Đồng Tiến chuyển 2,78 tỉ đồng và mong Công ty Đồng Tiến thông cảm về việc bàn giao và đưa công ty vào hoạt động có thể chậm trễ vì một số lý do khách quan. Nhận được yêu cầu này, Công ty Đồng Tiến đã chuyển cho Công ty Đ.L 2,25 tỉ đồng nhưng từ năm 2008 Công ty Đ.L không bàn giao đất vì cho rằng đường chưa làm, chưa san lấp đúng cao độ.
Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao
Đến tháng 8-2015, biết được Công ty Đ.L đã chuyển nhượng toàn bộ vốn cho đối tác khác nên Công ty Đồng Tiến khởi kiện yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Do Công ty Đ.L không đồng ý, Công ty Đồng Tiến yêu cầu bồi thường gấp 3 lần tiền đã nhận (6,75 tỉ đồng) và 350 triệu đồng tiền phí dịch vụ, tổng cộng là 7,1 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty Phát Đạt, Công ty Việt Thành cũng ký hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng và thuê đất của Công ty Đ.L nhưng công ty này cũng không thực hiện hợp đồng. Công ty Phát Đạt yêu cầu bồi thường 4 tỉ đồng, Công ty Việt Thành yêu cầu bồi thường 4,3 tỉ đồng.
Công ty Đ.L thừa nhận có nhận tiền của 3 công ty trên, cho rằng do chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng nên không thể thực hiện hợp đồng. Công ty Đ.L chỉ đồng ý trả lại số tiền đã nhận cọc, không đồng ý bồi thường gấp 3 lần tiền cọc.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại
Xử sơ thẩm ngày 4-8-2016, TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đã chấp nhận đơn khởi kiện của 3 công ty, buộc Công ty Đ.L trả cho Công ty Đồng Tiến 7,1 tỉ đồng, Công ty Phát Đạt 3,8 tỉ đồng và Công ty Việt Thành 4,3 tỉ đồng.
Xử phúc thẩm TAND tỉnh Long An đình chỉ xét xử phúc thẩm, bác toàn bộ kháng cáo của Công ty Đ.L. Ngày 1-12-2016, Công ty Đ.L có đơn đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Xử giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM đã hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Sau đó, TAND tỉnh Long An đã có văn bản kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Nhận được yêu cầu của TAND tỉnh Long An và đơn của 3 công ty, Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND Tối cao, tuyên hủy quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM. Đồng thời, giữ nguyên bản án kinh doanh, thương mại của TAND tỉnh Long An.
Sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm, 3 công ty đã có đơn yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM bồi thường hơn 8 tỉ đồng tiền thiệt hại.
Trong đó, Công ty Việt Thành cho rằng ngày 10-12-2020, công ty có đơn yêu cầu thi hành án yêu cầu Công ty Đ.L thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án, trả tiền lãi chậm trả. Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đức Hòa có thông báo rằng do TAND Cấp cao tại TP HCM ra quyết định giám đốc thẩm hủy 2 bản án nên Chi cục Thi hành án đã ra quyết định đình chỉ, việc thi hành án trước đây đã kết thúc. Đồng thời, Công ty Việt Thành được thông báo chỉ được yêu cầu tính lãi trả chậm sau khi quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao có hiệu lực.
Do đó, Công ty Việt Thành và 2 công ty còn lại cho rằng chính quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM đã làm gián đoạn và gây thiệt hại cho công ty nên có đơn yêu cầu bồi thường.
Chưa đủ điều kiện yêu cầu tòa bồi thường
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Kinh Luân), các doanh nghiệp cho rằng do quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh Long An nên không thể yêu cầu thi hành án. Căn cứ Luật Thương mại, Luật Thi hành án dân sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự, các doanh nghiệp yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, căn cứ pháp luật mà các doanh nghiệp đưa ra yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM bồi thường thiệt hại là chưa phù hợp, khó có thể được chấp nhận. Bởi lẽ thiệt hại của các doanh nghiệp (nếu có), xuất phát từ hoạt động tố tụng dân sự của người thi hành công vụ. Vì vậy, trong trường hợp này phải căn cứ vào Luật Trách nhiệm Bồi thường của nhà nước năm 2017 (có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2018) để xem xét.
Theo khoản 5 điều 19 của luật này, nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự.
Như vậy, muốn được chấp nhận đơn yêu cầu, các doanh nghiệp phải chứng minh TAND Cấp cao tại TP HCM đã ban hành quyết định giám đốc thẩm trái pháp luật và Hội đồng xét xử của TAND Cấp cao tại TP HCM đã bị xử lý kỷ luật. Nếu không chứng minh được 2 điều kiện này thì khả năng đơn yêu cầu này không được chấp nhận là cao.
Bình luận (0)