Chiều 27-8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Ngô Trí Đức (SN 1974; nguyên Phó Tổng Giám đốc TrustBank) về 2 tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Dự án "ma" của bà Phấn
Liên quan đến vụ án, Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố 2 bị can Lâm Kim Dũng (SN 1955; nguyên Giám đốc Công ty Địa ốc Lam Giang) và Nguyễn Kim Thanh (SN 1977; nguyên Phó Phòng Đầu tư TrustBank) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, ngày 25-8, Bộ Công an cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can Hứa Thị Phấn (SN 1947; nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bị can Phấn có rất nhiều vi phạm đã và đang bị xử lý. Hiện bà bị tổn thương sức khỏe đến 93% và được điều trị tại bệnh viện, mất khả năng đi lại nên cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai.
Các thuộc cấp của bà Hứa Thị Phấn trong phiên tòa tháng 5-2018
Hồ sơ của Bộ Công an thể hiện: Thời điểm năm 2009-2010, theo chỉ đạo của bà Phấn, TrustBank đã trực tiếp đầu tư hơn 1.037 tỉ đồng vào 4 dự án bất động sản. Trong đó có 3 dự án mới ở giai đoạn tiền khả thi, chấp thuận địa điểm đầu tư do 3 công ty của bà Hứa Thị Phấn làm chủ đầu tư. Cụ thể, đầu tư 570 tỉ đồng vào dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Garden II tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án này do Công ty CP Phú Mỹ (bà Phấn là chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư.
Bà Phấn chỉ đạo đầu tư vào 2 dự án The Star City và Go-Go City tại huyện Nhà Bè, TP HCM do Công ty CP Địa ốc Lam Giang (công ty của bà Phấn) làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Garden II đã bị thu hồi; 2 dự án The Star City và Go-Go City đã quá thời hạn chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án và hiện chỉ là bãi đất trống.
Ngoài ra, bà Phấn còn chỉ đạo đầu tư 136 tỉ đồng vào dự án KCN Tân Đông Hiệp B (huyện Dĩ An, Bình Dương) do Công ty Phú Mỹ làm chủ đầu tư.
Toàn bộ 1.037,8 tỉ đồng do 3 công ty trên nhận của TrustBank nhưng không sử dụng vào việc đầu tư dự án mà chuyển cho bà Phấn sử dụng cá nhân.
Theo hợp đồng nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự liên quan tại TrustBank ngày 9-10-2012 đã được Ngân hàng Nhà nước và TrustBank chấp thuận, bà Phấn đã chuyển giao nghĩa vụ trả nợ 4 khoản đầu tư này cho ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh). Tuy nhiên, sau khi tiếp quản và điều hành TrustBank, ông Danh không thực hiện trách nhiệm trả món nợ lớn này.
Nâng khống giá trị bất động sản
Không chỉ vậy, bà Phấn còn chỉ đạo một số cán bộ, nhân viên TrustBank nâng khống giá trị 26 bất động sản bán cho TrustBank, chiếm đoạt và gây thiệt hại cho TrustBank 2.129 tỉ đồng.
Cụ thể, thông qua Công ty Phú Mỹ và Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Phúc Nguyễn cùng 22 cá nhân là nhân viên hoặc họ hàng, bà Phấn đã chỉ đạo đứng tên mua 26 bất động sản. Bà tiếp tục chỉ đạo dùng thủ đoạn mua đi bán lại giữa các thành viên trong nhóm Phú Mỹ để đẩy giá trị bất động sản lên cao từ 2 đến 8 lần so với giá thị trường. Sau đó, bà Phấn lấy lý do mở rộng hệ thống đã dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo HĐQT và Ban Điều hành TrustBank mua 26 bất động sản với tổng giá trị 3.580 tỉ đồng. Theo kết quả thẩm định giá thì giá thị trường của 26 bất động sản tại thời điểm tháng 9-2015 chỉ là 1.369 tỉ đồng. Như vậy, chỉ từ việc nâng khống này, bà Phấn đã rút ruột, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 2.200 tỉ đồng.
Cũng theo hồ sơ, lợi dụng việc nắm hơn 84% vốn điều lệ tại TrustBank, bà Phấn đã thâu tóm toàn bộ quyền lực, chi phối HĐQT, cán bộ, nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang thực hiện hàng loạt sai phạm. Trong khi TrustBank đang gặp khó khăn về thanh khoản, tồn quỹ tiền mặt trung bình chỉ 20 tỉ đồng, không đủ điều kiện giải ngân nhưng bà Phấn đã chỉ đạo thu chi khống, không dùng tiền mặt. Cụ thể, khách hàng phần lớn không đến ngân hàng thực hiện giao dịch, hạch toán khống trên hệ thống Smartbank sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục. Hành vi này đã tiếp sức cho bà Phấn thu khống và sử dụng bất hợp pháp số tiền 5.256 tỉ đồng.
Sau đó, lợi dụng Công ty Phương Trang là doanh nghiệp có nhiều tài sản ở trung tâm các tỉnh, thành lớn đang cần tiền để mở rộng kinh doanh, bà Phấn đã yêu cầu công ty này ký trước hồ sơ vay và chứng từ nhận tiền mặt. Bằng nhiều "độc chiêu", bà Phấn đẩy dư nợ khống với tổng số tiền 5.256 tỉ đồng cho Công ty Phương Trang thông qua các khoản vay. Theo hồ sơ, dư nợ gốc mà Công ty Phương Trang được ghi tại TrustBank là 9.402 tỉ đồng nhưng công ty này chỉ thực nhận 3.937 tỉ đồng...
Tố cáo khống vụ tặng siêu xe
Bộ Công an cũng đã xác minh đơn tố cáo của bà Hứa Thị Phấn đối với lãnh đạo Công ty Phương Trang. Bà Phấn tố cáo ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang) rằng do thấy bà đi lại bằng xe lăn nên Phương Trang đưa cho bà chiếc ôtô Maybach (trị giá 25 tỉ đồng), bù lại bà Phấn giao căn hộ ở khu Sài Gòn Pearl nhưng ông Luận không sang tên xe cho bà. Kết quả xác minh cho thấy ông Luận không tặng xe mà chỉ cho bà Phấn mượn để đi lại. Sau đó, khi xảy ra tranh chấp, bà Phấn giữ luôn xe và không trả.
Còn căn hộ thì ông Luận đã chứng minh ông có hợp đồng mua bán với bà Phấn giá 9 tỉ đồng (giá trị thật khoảng 7-8 tỉ đồng) nên việc tố cáo của bà Phấn là không có cơ sở.
Bình luận (0)