Ngày 5-11, liên quan vụ bác sĩ giả mạo giấy tờ chuyên môn để phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng cho phụ nữ mang thai xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas (quận 10, TP HCM), Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (Bộ Y tế) cho hay ngay sau sự việc xảy ra, ông đã trực tiếp làm việc khẩn cấp với Sở Y tế TP HCM. Tại buổi làm việc, ông đã yêu cầu ngành y tế TP HCM khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm.
Chuyển cơ quan điều tra
Trước mắt, đình chỉ hoạt động của bác sĩ này, yêu cầu viết tường trình, báo cáo, giữ lại chứng chỉ hành nghề, chuyển CQĐT làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, chấn chỉnh ngay hoạt động phẫu thuật làm đẹp thẩm mỹ trên địa bàn.
Liên quan vụ việc nói trên, Sở Y tế TP HCM và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng đã xác minh. Theo BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, qua rà soát xác minh trên giấy phép hành nghề, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẳng định "giấy phép do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp cho BS Đinh Viết Hưng" là hoàn toàn giả mạo, ngành y tế Đồng Nai không cấp bất kỳ quyết định bổ sung nào cho ông Đinh Viết Hưng (BS này đã thực hiện phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng- pV).
Hiện Thanh tra Sở Y tế TP đã tạm giữ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Hưng và đang thực hiện các thủ tục chuyển CQĐT. Sở Y tế cũng đã yêu cầu Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas ngưng ngay hợp đồng đối với bác sĩ này và tiến hành rà soát chứng chỉ hành nghề đối với tất cả nhân viên đang hợp đồng tại bệnh viện, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu nhằm phục vụ cho công tác điều tra, xử lý.
Trách nhiệm pháp lý
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, có thể xác định hành vi của bác sỹ Đinh Viết Hưng đã vi phạm khoản 3 Điều 6 Luật Khám chữa bệnh 2009, cụ thể là vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề… Phạm vi chuyên môn được cấp phép là chấn thương chỉnh hình nhưng bác sĩ Hưng lại sử dụng giấy tờ giả để hành nghề, thực hiện các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Hành vi này trái với quy định pháp luật, xâm phạm chế độ quản lý nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Ngoài việc cơ quan chức năng tạm giữ chứng chỉ hành nghề, cấm hành nghề trong thời gian này thì theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, bác sĩ Hưng sẽ chịu hình phạt chính là phạt tiền, số tiền cụ thể từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, nếu CQĐT nhận thấy hành vi có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bác sĩ Hưng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuôc, bán thuốc, hoặc dịch vụ y tế khác", mức hình phạt có thể phải chịu là từ 01 đến 05 năm tù. Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tín mạng con người. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm.
Như vậy, căn cứ vào các quy định đã viện dẫn như trên, có thể thấy hành vi mà bác sĩ Hưng đã gây ra có thể phải chịu chế tài hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự tùy vào tính chất, đặc điểm, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả xảy ra.
Tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý
Từ vụ việc này, luật sư Võ Đan Mạch cũng cho rằng trách nhiệm được đặt ra đối với Sở Y tế TP HCM trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động khám, chữa bệnh nói chung và cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ nói riêng là không nhỏ. Bởi lẽ đây là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh/TP có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh/TP quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.
"Do vậy, Sở Y tế TP HCM cần tăng cường vai trò của mình qua các công việc cụ thể sau đây:
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép, bác sĩ không có chuyên môn nhưng lại "công khai" quảng cáo các dịch vụ của mình qua các phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau.
Thứ hai, kịp thời phát hiện và cần xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm, đặc biệt vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh;
Thứ ba, quyết định chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không phép, cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn được cho phép, cơ sở vi phạm về quảng cáo khám, chữa bệnh, cá nhân sử dụng chứng chỉ giả mạo, hoạt động không đúng chuyên môn.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, xử lý vi phạm; Chủ động đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân được biết các quy định của pháp luật liên quan đến việc khám bệnh chữa bệnh, công khai thông tin hoạt động của các cơ sở trên trang thông tin điện tử,… để người dân không tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở không đảm bảo"- luật sư Võ Đan Mạch đề xuất.
Bình luận (0)