Sáng nay 11-9, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng xảy ra tại thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường nằm trên đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội gây chấn động dư luận cả nước hồi tháng 10-2013.
Phiên toà được mở vì có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú ở xóm 6, phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chủ TMV Cát Tường. Nguyễn Mạnh Tường kháng cáo với lý do xét xử chưa đúng tội danh, làm cho tội chồng thêm tội, tuyên án quá nặng…
Đến 8 giờ 15, hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh mới được dẫn giải đến toà.
So với phiên toà trước diễn ra vào tháng 12-2014, sau gần 1 năm thụ án ngồi tù, cả 2 bị cáo đã gầy đi rất nhiều. Nước da của cả hai đen xạm đi so với phiên toà trước.
Phiên toà tiến hành các thủ tục khá chậm. 8 giờ 30 toà vẫn đang tiến hành các thủ tục cho những người tham dự phiên toà. Có khoảng 20 người trong gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đến dự phiên toà.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, cho biết anh mong đợi phiên toà sẽ giữ nghiêm minh, xử đúng người, đúng tội. Bị cáo Tường gây ra tội lỗi như thế nào thì phải chịu mức án tương xức với tội lỗi mình gây ra.
Đúng 8 giờ 45 phút, chủ toạ công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành các thủ tục cần thiết để bắt đầu phiên toà.
9 giờ 40, sau khi kết thúc phần tóm tắt bản án sơ thẩm, chủ toạ phiên toà hỏi:
- Bị cáo còn giữ nguyên kháng cáo kêu oan, giảm hình phạt không?
- Bị cáo mong muốn xin giảm hình phạt chứ không kêu oan nữa - bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đáp.
Trước đó, ngày 17-12-2014, bị cáo Tường kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng xét xử sở thẩm không đúng tội danh, mức án cấp sơ thẩm quá nặng.
Trong phần thẩm vấn, chủ toạ bắt đầu thẩm vấn bị án Đào Quang Khánh, bảo vệ TMV Cát Tường. Trong phiên toà này, Khánh không kháng án mà tham gia với tư cách nhân chứng.
Khánh khai thời điểm ngày 18-10-2013, Khánh có gặp chị Lê Thị Thanh Huyền. Khánh đã làm nhiệm vụ dắt xe cho người phụ nữ này, sau đó anh ta thấy chị Huyền vào phòng làm việc của lễ tân.
Khánh cho hay mình biết được sự việc chị Huyền tử vong khi được Tường gọi lên nhờ vả. Việc bàn bạc vứt xác nạn nhân là do Nguyễn Mạnh Tường. Sự việc được bàn bạc tại một quán cà phê, trong đó có sự có mặt của vợ Tường là chị Nguyễn Thị Hằng. “Lời khai bị cáo Tường nói tôi nêu ý kiến đem xác ném xuống sông là không chính xác” - bị án Đào Quang Khánh khẳng định.
Toà hỏi vợ bị cáo Tường là chị Nguyễn Thị Hằng, kháng cáo về việc xin lại nửa chiếc xe ô tô (đây là chiếc xe đã chở thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đi vứt xác phi tang). Chị này giữ nguyên kháng cáo.
Khi chủ toạ hỏi bị cáo Nguyễn Mạnh Tường xác nhận về lời khai của Khánh và một số tình tiết trong vụ án, Tường vẫn khẳng định việc vứt xác không phải do Tường đề xuất mà là cựu bảo vệ TMV Cát Tường Đào Quang Khánh.
Chủ toạ hỏi bị cáo Tường: “Hôm nay bị cáo không kháng cáo kêu oan nữa mà xin thay đổi nội dung, chỉ xin giảm hình phạt. Nghĩa là công nhận tội, chỉ xin giảm hình phạt. Lý do là gì?”. Bị cáo Tường trả lời trong quá trình bị giam, bị cáo suy nghĩ về hành động của mình là sai, chưa xin được giấy phép mà đưa vào hoạt động.
Bị cáo lúng túng trình bày: “Trong cả quá trình công tác, bị cáo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót gì. Đó là một tai nạn nghề nghiệp không mong muốn xảy ra. Bị cáo chưa có một tiền án, tiền sự gì, luôn phấn đấu tốt cho xã hội… Bị cáo không cố ý để xảy ra sự việc…”. Nói đến đây, bị cáo Tường bất giác bật khóc và được toà cho ngồi xuống.
Khi được toà hỏi ý kiến, anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, nói: "Xin toà xử thật nghiêm minh để có tính răn đe".
Khi được toà xin ý kiến, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ nạn nhân Huyền, nói: "Tôi thấy anh Tường không ý thức được lỗi anh ấy gây ra, anh ấy luôn cãi tay đôi tại toà sơ thẩm. Trong gia đình tôi nhiều người làm nghề y và tìm hiểu thấy rằng, nếu anh Tường có lương tâm, trách nhiệm với nghề của mình thì con tôi đã không chết tức tưởi, đau đớn như thế.
Anh Tường không xác định được trách nhiệm của mình. Nếu anh Tường cho cháu sang bệnh viện, tìm mọi cách cứu cháu thì chúng tôi cũng không đến nỗi đau đớn đi tìm xác con tôi suốt 1 năm như thế. Một mình tôi nhiều đêm đi tìm con ở các nghĩa trang. Tìm thấy con sau đúng 1 ngày là tròn 9 tháng, nhìn thi thể con tôi đầu không còn, thi thể thiếu nhiều bộ phận thì không chỉ tôi mà rất nhiều người đau xót.
Là một người mẹ, tôi rất thông cảm với mẹ anh Tường, vợ con anh Tường song tôi vẫn mong phiên toà tuân thủ pháp luật. Đến giờ, cái nguyện vọng của gia đình là toà xử nghiêm minh. Cái gì anh Tường đáng được giảm án như phần bồi thường thì toà xem xét. Còn với gia đình tôi, đó là một tổn thất quá lớn, không thể tha thứ được".
"Tôi cũng mong toà kết thúc sớm, cứ vài tháng lại nhắc lại vụ việc, gia đình tôi rất đau đớn” - bà Hiền giãi bày.
Đến 11 giờ 5 phút, toà kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh tụng.
Trong phần tranh tụng, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đề nghị bác đơn kháng án của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường. Đối với nội dung kháng cáo của người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là bà Hằng, người giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm cho rằng việc cơ quan điều tra thu hồi chiếc ôtô là đúng. Do đó, VKSND cũng không chấp nhận đơn của bà Hằng.
Nữ luật sư Trang Vân bào chữa cho bị cáo Tường đề nghị áp dụng cho bị cáo Tường 2 tình tiết giảm nhẹ là khắc phục hậu quả và khai báo thành khẩn. Khi được hỏi ý kiến, bị cáo Tường cũng xin được giảm hình phạt cho hai tội.
VKS đối đáp lại luật sư, cho rằng, việc ném xác của bị cáo không có nhân tâm, cần xem xét kỹ về hành vi này. Về tình tiết giảm nhẹ, luật sư cho rằng bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ nhưng hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm nên đề nghị giữ nguyên mức án.
Trước khi bước vào nghị án, trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường một lần nữa bật khóc, nói không nên lời. “Bị cáo mong muốn được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo rất ân hận khi để xảy ra việc như vậy. Bị cáo rất đau xót mong muốn HĐXX, gia đình nạn nhân khoan dung cho bị cáo để bị cáo được trở về gia đình”- bị cáo Tường lí nhí.
HĐXX đang nghị án, dự kiến tuyên án trong ít phút nữa.
11 giờ 55, HĐXX tuyên án. Sau khi tóm tắt lại nội dung phiên toà vừa diễn ra, HĐXX xét thấy: Lời khai của bị cáo Tường phù hợp với lời khai trước đây của bị cáo, về cơ bản phù hợp với bị án Đào Quang Khánh và những người có quyền lợi liên quan, những người làm chứng, các văn bản khác, các kết luận giám định hình sự và các tài liệu chứng cứ khác.
Kháng cáo trước đây của bị cáo và quan điểm của gười khác là bị cáo không phạm tội là không có căn cứ. Tại phiên toà bị cáo đã thừa nhận mình đã phạm tội này.
Quan điểm trước đây cho rằng bị cáo không vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là không có cơ sở chấp nhận.
Hành vi phạm tội của bị cáo được xác định là gây hậu quả nghiêm trọng. “Ngoài việc dẫn tới hậu quả chị Huyền bị chết gây đau thương, mất mát cho người bị hại, còn gây hậu quả là làm mất uy tín của BV Bạch Mai và cả ngành Y tế nói chung. Niềm tin của quần chúng nhân dân mất niềm tin vào ngành y chắc chắn giảm sút”- Chủ toạ nhấn mạnh.
Liên quan tới việc di chuyển thi thể và vứt xác chị Thanh Huyền, các lời khai đều xác định rõ việc Tường đã chở thi thể nạn nhân đi phi tang, ném xuống sông… việc này đủ căn cứ kết luận đã vi phạm tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
HĐXX phúc thẩm nhận xét, khi xem xét hình phạt, toà sơ thẩm đã xem xét tới nhân thân của bị cáo, vợ là Nguyễn Thị Hằng đã bồi thường một phần cho gia đình bị hại. Chủ toạ khẳng định: “Việc áp dụng xử phạt với bị cáo Tường là tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo. Mặc dù sau đó gia đình bị cáo đã nộp thêm 126 triệu đồng và bị cáo cũng đã ăn năn. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm không thấy có căn cứ kháng cáo”.
Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị Hằng, vợ bị cáo Tường về chiếc xe là tài sản chung của hai vợ chồng. Tuy nhiên, đây là phương tiện phạm tội, bà Hằng cũng biết việc sử dụng chiếc xe đưa xác đi phi tang.
Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Hằng. Xử phạt bị cáo Tường 14 năm tù về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; xử phạt 5 năm tù về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Ngoài ra, bị cáo còn bị cấm hành nghề 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi ném xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền từ trên cầu Thanh Trì xuống sông Hồng
Theo bản án sơ thẩm, trưa ngày 19-10-2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến TMV Cát Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ. Đến 12 giờ 30, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường yêu cầu nhân viên pha 5 lọ thuốc gây tê, sau khi thử phản ứng đã tiêm thuốc gây tê để tiến hành ca mổ. Sau đó, chị Huyền đã lên cơn co giật, rồi tử vong vào chiều tối cùng ngày.
Do hoảng sợ, Nguyễn Mạnh Tường đã tổ chức phi tang thi thể chị Huyền. Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 19-10, Nguyễn Mạnh Tường đã cùng Đào Quang Khánh, là bảo vệ của TMV Cát Tường, đem thi thể chị Huyền lên ô tô của Tường đưa đến Bệnh viện Bưu điện nhưng thấy có nhiều người và do thi thể chị Huyền bị cứng nên không dám mang vào gửi.
Tường và Khánh sau đó đã bàn bạc và thống nhất đưa thi thể chị Huyền lên cầu Thanh Trì, ném xuống sông Hồng phi tang.
Gia đình chị Huyền đã tổ chức tìm kiếm suốt gần 1 năm, đến ngày 18-7-2014, thi thể chị Huyền mới được tìm thấy song thời gian quá lâu nên không có cơ sở để xác định nguyên nhân tử vong.
Thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền bị ném xác phi tang được những người dân chài ở bến đò Vân Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) phát hiện sáng 18-7-2014
Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ TMV Cát Tường ném xác phi tang diễn ra ngày 4 và 5-12-2014, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Tường, chủ TMV Cát Tường, 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”; 5 năm tù về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", tổng hình phạt 19 năm tù giam.
Tòa cũng tuyên phạt bị cáo Đào Quang Khánh, bảo vệ của TMV Cát Tường, 24 tháng tù về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, 9 tháng tù tội trộm cắp, tổng hình phạt 33 tháng tù giam.
Về dân sự, tòa chấp nhận các khoản chi phi tìm kiếm, mai táng… tổn thất tinh thần; tổng cộng số tiền bồi thường là 558 triệu đồng, đồng thời buộc bị cáo Tường cấp dưỡng nuôi 2 con của nạn nhân Huyền đến năm 18 tuổi.
Sau phiên toà, cuối tháng 12-2014, Nguyễn Mạnh Tường đã làm đơn kháng cáo, ghi rõ: “Việc xét xử tôi là chưa đúng tội danh, làm cho tội chồng thêm tội và tuyên phạt tôi quá nặng. Cáo trạng có nhiều điểm không đúng. Tôi kháng cáo toàn bộ bản án”.
Bình luận (0)