Cơ quan giám đốc thẩm vừa quyết định hủy án để điều tra lại từ đầu vụ án Nguyễn Thị Hồng Thắm (ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chiếm đoạt tài sản đối tác, doanh nghiệp - nơi Thắm làm việc.
Trước đó, cơ quan tiến hành tố tụng sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều "đánh đồng" hành vi tham ô với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản suốt quá trình giải quyết vụ án.
Lấy tiền doanh nghiệp chính là tham ô
Hồ sơ thể hiện Thắm là nhân viên kế toán Công ty TNHH Thương mại Thu Hương (Công ty Thu Hương, trụ sở ở TP Quy Nhơn); có nhiệm vụ quản lý, theo dõi, thu tiền công nợ một số đơn vị mua hàng. Lợi dụng việc được phân công, Thắm nghĩ ra nhiều cách để chiếm đoạt tiền.
Sau khi thu tiền từ khách hàng, Thắm không nộp về công ty hoặc nộp lại một ít. Cũng có lần, Thắm lấy tiền của công ty, hợp thức hóa chứng từ bằng cách sửa lại sổ sách. Thắm đã thực hiện trót lọt 6 lần, trục lợi hơn 179 triệu đồng.
Huỳnh Tấn Luật tại TAND TP HCM
Tòa sơ thẩm tuyên phạt Thắm 30 tháng tù giam về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Thắm kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Xét xử phúc thẩm, tòa án tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội danh trên.
Ngay sau đó, cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm tuyên bố hủy án để điều tra lại. Quyết định giám đốc thẩm nêu rõ sai sót khi định tội danh đối với lần Thắm chiếm đoạt 100 triệu đồng của Công ty Thu Hương. Cụ thể, pháp luật quy định đối tượng tác động trong tội "Tham ô tài sản" bao gồm cả tài sản doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Vì thế, hành vi chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu Công ty Thu Hương đủ yếu tố cấu thành tội "Tham ô tài sản".
Việc cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp truy tố, xét xử bị cáo Thắm 6 lần phạm tội cùng tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" mà không tách hành vi chiếm đoạt 100 triệu đồng ra truy tố, xét xử thêm tội "Tham ô tài sản" là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, chưa đánh giá đúng hậu quả bị cáo gây ra.
Chưa rõ vai trò giúp sức?
Không chỉ vấn đề kết luận chính xác tội danh từng hành vi phạm tội mà việc làm rõ vai trò người liên quan cũng khiến nhiều vụ án kéo dài. Vụ án Huỳnh Tấn Luật (ngụ quận 11, TP HCM) "hô biến" chủ nợ thành người vay nợ bằng giấy tờ giả mạo là minh chứng điển hình.
Quan hệ thân thiết với mẹ Luật, bà V.T.K (ngụ quận 11) tin tưởng cho Luật vay khoản tiền lớn. Lợi dụng điều này, Luật đưa bà K. ký tên vào nhiều giấy tờ "trắng", sau đó in ghép thêm nội dung thành biên nhận, hợp đồng xác nhận Luật trả hết số nợ 385 tỉ đồng. Chưa hết, Luật in khống nội dung bà K. vay 82 tỉ đồng, 3.866 lượng vàng rồi gửi đơn tố cáo cũng như khởi kiện đòi bà K. trả nợ.
Trước đó, Luật dùng tiền bà K. cho vay đi mua nhiều tài sản và nhờ người thân đứng tên chủ sở hữu; đồng thời nhờ một vài người ký giấy vay nợ.
Hủy án sơ thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ vai trò giúp sức của 10 người liên quan. Tuy nhiên, kết quả điều tra không cáo buộc ai vi phạm hình sự. Cơ quan điều tra khẳng định không có chuyện em vợ, em gái giúp Luật đứng tên mua tài sản. Vì vậy, tòa phúc thẩm không có căn cứ cho rằng 3 người này giúp Luật phạm tội. Hay vợ Luật ký tên ở 8 giấy vay tiền, đứng tên nhận chuyển nhượng nhiều tài sản… nhưng cơ quan điều tra cho rằng chị này chỉ làm theo lời chồng, không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Xử sơ thẩm, TAND TP HCM phạt Huỳnh Tấn Luật 20 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Không đồng ý, bà K. kháng cáo, đề nghị làm rõ vai trò người liên quan, thu hồi tài sản.
Mức phạt khác xa nhau
Theo luật gia Nguyễn Minh Tấn Hùng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong những hành vi: vay, mượn, thuê tài sản của người khác; nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó; đến thời hạn trả lại tài sản nhưng cố tình không trả (dù có khả năng trả); sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Mức phạt cao nhất từ 12 năm tù đến 20 năm tù.
Tội "Tham ô tài sản" là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục 1 chương này (các tội tham nhũng), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Ngoài ra, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử lý theo quy định tại điều này. Đối với tội "Tham ô tài sản", mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bình luận (0)