Ngày 4-8, gia đình Hồ Duy Hải, người đã bị tuyên án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” trong vụ án 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại đầu năm 2008, đã đến các cơ quan báo chí kêu cứu vì cho rằng Hải bị xét xử oan sai. Những tài liệu chúng tôi có được cho thấy trong quá trình điều tra, xét xử, nhiều tình tiết đã không được các cơ quan chức năng làm rõ và có thể dẫn đến oan sai khi kết luận Hải là thủ phạm giết chết 2 nữ nhân viên trên và bị kết án tử hình.
Dấu vân tay của người khác
Sáng 14-1-2008, anh Phùng Phụng Hiếu, nhân viên giao báo, mang báo đến Bưu điện Cầu Voi thì phát hiện 2 nữ nhân viên bưu điện là Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân bị giết chết.
Sau khoảng 3 tháng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Long An bắt Hồ Duy Hải. Sau hai lần xét xử sơ thẩm (ngày 28-11-2008) và phúc thẩm (ngày 28-4-2009), cả TAND tỉnh Long An và TAND Tối cao tại TPHCM đều kết tội Hải giết người, cướp tài sản và tuyên phạt tử hình.
Tuy nhiên, những tài liệu chúng tôi có được cho thấy chưa đủ cơ sở để kết tội “Giết người” và “Cướp tài sản” đối với Hải. Thứ nhất, trong quá trình điều tra, CQĐT phát hiện, lưu giữ một số dấu vết đường vân (vân tay) trên một số đồ vật ở hiện trường.
Bị cáo Hồ Duy Hải tại tòa. Ảnh: TƯ LIỆU
Đến ngày 7-4-2008, CQĐT mới trưng cầu giám định. Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An cho thấy “các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.
Trong khi đó, Hải bị xác định đã lôi, kéo, bóp cổ, cầm thớt và ghế đập vào mặt, đầu 2 nạn nhân, cầm dao cắt cổ họ rồi vào lavabo mở vòi nước rửa tay. Những dấu vân tay trên là của ai đến nay vẫn chưa được làm rõ. Trong khi việc đối chiếu với tàng thư CMND để tìm ra chủ nhân của những dấu vân tay trên cũng không được tiến hành.
Thứ hai, theo lời khai của Hải thì anh ta có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng từ 20 giờ đến 21 giờ ngày 13-1-2008. Nếu đúng Hải là hung thủ, các nạn nhân sẽ bị giết trong thời gian này. Thế nhưng, đến nay cũng chưa có một kết luận nào về thời gian 2 nạn nhân bị chết. Giấy chứng tử của UBND phường Tân Khánh, thị xã Tân An - Long An cấp cho gia đình 2 nạn nhân cũng bỏ ngỏ giờ, phút 2 người chết.
Kết tội theo lời khai
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng có thu được một số mẫu máu “ở ngoài cửa sau và trong nhà vệ sinh của Bưu điện Cầu Voi”. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao đến ngày 14-5-2008, tức 4 tháng sau ngày xảy ra án mạng, CQĐT mới trưng cầu giám định. Chính sự chậm trễ này đã khiến cho Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TPHCM chỉ có thể kết luận: “... là máu người, không xác định được nhóm máu do mẫu đã phân hủy”.
Mới đây, ngày 1-7-2009, Văn phòng Chủ tịch nước đã truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu xem xét đơn của gia đình Hồ Duy Hải đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM |
Cũng tại phiên tòa này, khi đại diện VKS hỏi: “Cáo trạng của VKS truy tố bị cáo về tội giết người, cướp tài sản có oan không?”. Hải trả lời: “Oan”. Sau đó, Hải tiếp: “Bị cáo chỉ khai nhận tội giết người chứ không thực hiện hành vi giết người; nhận tội theo lời kể lại của một công an viên ở địa phương, nơi bị cáo tạm trú”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cũng thừa nhận: “Cho dù quá trình điều tra có những thiếu sót về tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng không nghiêm trọng. HĐXX phúc thẩm đánh giá toàn bộ chứng cứ có đủ căn cứ xác định bị cáo Hồ Duy Hải là người đã giết chết chị Hồng và Vân tại Bưu điện Cầu Voi”.
Chính vì nhận định như thế, HĐXX cả hai cấp đã tuyên án tử hình với bị cáo Hải. Tuy nhiên, theo chúng tôi, những thiếu sót về tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng là hết sức nghiêm trọng và đây chính là những bằng chứng cho thấy chưa đủ cơ sở kết tội “Giết người” đối với Hải.
Một nguyên tắc cơ bản của tố tụng là phải trọng chứng hơn trọng cung. Thế nhưng, khi xét xử, cả hai cấp tòa chủ yếu dựa vào lời khai của bị cáo tại CQĐT làm căn cứ kết tội. Đồng thời, dường như các cơ quan tiến hành tố tụng đã không chú trọng chứng cứ xác định vô tội của bị cáo.
Không có vật chứng
|
Bình luận (0)