Chiều 26-12, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM) và đồng phạm trong vụ án liên quan đến khu đất "vàng" ở số 15 Thi Sách (quận 1, TP HCM) tiếp tục phần xét hỏi.
Trước HĐXX, bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên–Môi trường TP) trình bày lại quá trình tiếp nhận chỉ đạo từ bị cáo Tín, đến lúc ký văn bản tham mưu chấp thuận đề nghị thuê đất của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.
Tại tòa, đại diện cơ quan công tố cáo buộc với cương vị đứng đầu Sở Tài nguyên-Môi trường TP thời điểm đó, bị cáo Đào Anh Kiệt ký các văn bản tham mưu cho cấp trên là bị cáo Nguyễn Hữu Tín. Từ đó, bị cáo Tín không những ký văn bản ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất mà còn chấp nhận khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất tại số 15, đường Thi Sách, gây thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản.
Cụ thể, năm 2014, bị cáo Kiệt ký duyệt một công văn và một dự thảo công văn liên quan đến nội dung chấp thuận giao đất và khấu trừ tiền thuê đất. Trên cơ sở đó, bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP) duyệt đồng ý đề xuất và trình bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký ban hành công văn với nội dung Công ty CPXD Bắc Nam 79 được ký hợp đồng thuê đất tại số 15 Thi Sách với Sở Tài nguyên - Môi trường TP.
Bị cáo Đào Anh Kiệt tại phiên tòa ngày 26-12
Ngày 13-3-2015, Sở Tài chính TP HCM có công văn xác định giá trị tài sản vật kiến trúc tại số 15 Thi Sách là gần 6, 8 tỉ đồng. Viện dẫn căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (ngày 15/5/2014) quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, sở này nhận định doanh nghiệp thuê đất được khấu trừ chi phí bồi thường tài sản vật kiến trúc trên đất vào tiền thuê đất phải nộp.
Căn cứ vào đây, bị cáo Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP) tham mưu, dự thảo trình bị cáo Thanh với nội dung đồng ý đề xuất và ký nháy văn bản trình bị cáo Tín ký ban hành công văn có nội dung: Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 có trách nhiệm nộp vào ngân sách TP phần chi phí bồi thường tài sản, vật kiến trúc trên đất và lợi thế thương mại. Toàn bộ chi phí bồi thường này, doanh nghiệp được khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp theo quy định.
Trả lời các vấn đề liên quan đến cáo buộc trên, bị cáo Kiệt khai khi nhận công văn xem xét thẩm định việc doanh nghiệp thuê đất kèm văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Công an, bị cáo có tổ chức họp, lấy ý kiến lãnh đạo những đơn vị trực thuộc, liên quan.
Về những văn bản hay dự thảo văn bản bị cáo ký tên, bị cáo nhận thấy bản thân bị cáo ký tên với cương vị lãnh đạo cơ quan và chịu trách nhiệm về chữ ký của mình. Sau này, bị cáo phát hiện trong Nghị định số 46/2014/NĐ-CP không có nội dung như Sở Tài chính TP viện dẫn.
Khu đất "vàng" số 15 Thi Sách sau khi về tay doanh nghiệp (clip: Thanh Long)
Bị cáo cho rằng trường hợp doanh nghiệp thuê đất vì mục đích thương mại-dịch vụ thì hồ sơ và văn bản tham mưu, quyết định việc giao đất ở số 15 Thi Sách là hoàn toàn sai quy định pháp luật. "Tuy nhiên, bị cáo tập trung vào mục đích phục vụ nghiệp vụ an ninh như văn bản của Bộ Công an đề cập. Vì vậy, vào thời điểm đó, bị cáo thấy rằng cơ quan chức năng có thể chấp thuận giao đất, khấu trừ tiền thuê đất" - bị cáo Kiệt nói.
Bị cáo Kiệt giải thích cáo trạng truy tố không oan sai nhưng có một số nội dung chưa hợp lý. Đơn cử, cáo trạng kết luận một số hành vi do bị cáo thực hiện nhưng bị cáo hoàn toàn không hay biết vì lúc đó bị cáo đã về hưu.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín khẳng định nếu không có văn bản tham mưu của Sở Tài nguyên-Môi trường thì bị cáo không thể ký công văn đồng ý cho thuê đất thời hạn 50 năm.
Trong khi đó, bị cáo Đào Anh Kiệt cho rằng văn bản tham mưu là kết quả của cả quá trình chỉ đạo xuyên suốt từ cấp bộ trở xuống chứ không phải ý kiến riêng Sở Tài nguyên-Môi trường TP đưa ra.
Nếu không có sự chỉ đạo từ ủy ban thì đơn vị trực thuộc không thể thực hiện xem xét, thẩm định, tiến tới ban hành văn bản tham mưu.
Bình luận (0)