Ngay từ phút đầu tranh luận, vị chủ tọa Nguyễn Thành đã phải lưu ý mọi người tham dự phiên tòa không được vỗ tay trong hội trường, nhưng khi các vị luật sư tranh luận thì nhiều người đã vỗ tay tán thành và đã bị lực lượng bảo vệ mời ra khỏi hội trường xử án.
Sắt (phải) Linh (giữa) và Tiến tại tòa
Trong phần luận tội, bà Lê Thị Xuân Mai, kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm trong bản cáo trạng, và cho rằng bị cáo Trần Văn Thanh, Duy Linh, Dương Tiến có hành vi lôi kéo, xúi giục, giúp sức, lợi dụng quyền tự do dân chủ cung cấp tài liệu của VKSND TP Đà Nẵng, và một số tài liệu thông tin khác không có cơ sở. Sắt và gia đình Sắt đã phát tán các tài liệu trên, khiếu kiện, tố cáo sai sự thật đối với nhiều cán bộ lãnh đạo thành phố, nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, chính quyền và các cơ quan pháp luật của TP Đà Nẵng.
Việc làm đó đã gây phương hại đến an ninh trật tự, đến uy tín và hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, gây bức xúc trong một số bộ phận nhân dân; những hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân gây mất ổn định ảnh hưởng tới tình hình trị an ở Đà Nẵng và một số nơi vào thời điểm trước, trong và sau ngày bầu cử Quốc hội khóa 12. Trong đó, bị cáo Trần Văn Thanh là người cầm đầu.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên, bào chữa cho bị cáo Thanh phản bác rằng, việc khởi tố ông Trần Văn Thanh là không có cơ sở pháp lý. Bởi lẽ không có tài liệu nào chứng minh được bị cáo Thanh có hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp. Hơn nữa, 2 công văn 73 và 77 của VKS Đà Nẵng không nằm trong công văn mật của Nhà nước.
Tại phiên tòa, lời khai của bị cáo Linh cũng như lời khai của bị cáo Thanh với cơ quan điều tra đều không có căn cứ nào buộc ông Thanh với vai trò xúi giục, lôi kéo Sắt viết đơn sai sự thật, mà đây chỉ là lời khai của Sắt. Vì vậy, yêu cầu HĐXX tuyên rút lại quyết định khởi tố Trần Văn Thanh.
Luật sư Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, việc thu thập chứng cứ của vụ án vừa yếu lại vừa thiếu, chưa khoa học. Trong khi trong cáo trạng không hề đề cập về việc phạm tội có tổ chức, nhưng trong phần luận tội đại diện VKS nói bị cáo Thanh là cầm đầu.
Luật sư Hải cũng cho rằng quyết định khởi tố Trần Văn Thanh cũng vi phạm luật tố tụng. Vì ngày 20-2-2009, Công an TP Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố bị can Trần Văn Thanh nhưng đến ngày 23-2, VKS mới trả hồ sơ cho cơ quan điều tra bổ sung.
Giải thích việc này, đại diện VKS cho rằng, do tướng Thanh là người của Bộ Chính trị quản lý nên việc VKS chuyển hồ sơ qua công an trễ vì phải xin ý kiến ngoài trung ương.
Trong khi đó, luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho bị cáo Linh) cũng cho rằng, việc cơ quan điều tra thu thập tài liệu tại nhà vợ cũ của Linh là bà Phan Thị Kim Tuyến để làm cơ sở buộc tội Linh là sai qui định của luật. Bởi lẽ, Linh và bà Tuyến đã ly dị trước đó một năm và tòa chia tài sản toàn bộ nhà, đất, vật dụng thuộc sở hữu bà Tuyến. Hơn nữa, khi khám xét nhà bà Tuyến lại không có sự chứng kiến của Linh. Sau khi nghe các luật sư phản bác, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm luận tội của mình.
Kết thúc phần tranh luận và đối đáp, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Linh mong HĐXX xem xét để sớm trở về với gia đình; bị cáo Tiến yêu cầu xem lại tình tiết xảy ra với bị cáo để bị cáo được tiếp tục về công tác ngoài xã hội. Trong khi đó, bị cáo Sắt tỏ ra ăn năn, hối hận vì những việc làm của mình và xin lỗi lãnh đạo TP Đà Nẵng về những đơn thư tố cáo sai sự thật của bị cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Thanh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng; Nguyễn Phi Duy Linh, 3 năm 6 tháng tù; Dương Tiến, 17 tháng 5 ngày tù, nhưng tòa đã trả tự do cho Dương Tiến ngay tại phiên tòa, vì thời gian tạm giam Tiến đã đủ thời gian tuyên phạt.
Riêng bị cáo Đinh Công Sắt, nhận 12 tháng tù nhưng hưởng án treo và thời gian thử thách 22 tháng 2 ngày.
Bình luận (0)