Ngày 26-10, TAND huyện Thới Lai, TP Cần Thơ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Trương Châu Hữu Danh (39 tuổi; ngụ tỉnh Long An), Nguyễn Phước Trung Bảo (39 tuổi; ngụ TP Đà Nẵng), Lê Thế Thắng (39 tuổi; ngụ TP Hà Nội), Nguyễn Thanh Nhã (41 tuổi) và Đoàn Kiên Giang (36 tuổi) - cùng ngụ TP HCM, về tội: "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân".
Trong phiên tòa hôm nay, bị cáo Thắng (tại ngoại) có đơn xin xét xử vắng mặt.
"Viết bài nhưng không nhận tiền"
Tại toà, bị cáo Trương Châu Hữu Danh nói quen biết Nguyễn Hoàng Trung Kiên (ngụ huyện Thới Lai) qua mạng xã hội. Kiên từng bị tòa án tuyên phạt 9 tháng tù về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản", sau đó uống thuốc tự tử. Danh khai lúc đó Kiên nói đất của gia đình Kiên bị thu hồi bởi dự án Khu Đô thị mới huyện Thới Lai, nhưng giá đền bù rất thấp nên bức xúc. Từ đây, Danh đến Thới Lai viết bài, khi đó Danh đang là phóng viên Tạp chí Làng Mới.
4 bị cáo tại tòa
Trương Châu Hữu Danh tới huyện Thới Lai để tìm hiểu dự án Khu Đô thị mới huyện Thới Lai viết tổng cộng 36 bài, nhưng đã xóa 4 bài. 36 bài viết không đăng trên Tạp chí Làng Mới mà đăng trên Facebook cá nhân.
Bị cáo Trương Châu Hữu Danh
Trương Châu Hữu Danh khẳng định: "Bị cáo không được Kiên trả thù lao cho những bài viết nói trên và còn cho Kiên 3 triệu đồng. Đồng thời, những người bạn của bị cáo đã ủng hộ Kiên 50 triệu đồng thời điểm Kiên nằm viện. Kiên đưa cho bị cáo một phong bì, nhưng bị cáo không biết bên trong có gì. Bị cáo không nhận tiền hay uống nước, ăn cơm của Kiên…". Bị cáo Danh nói mục đích của viết bài do "xuất phát từ tấm lòng".
Tuy nhiên, dưới những bài viết của Trương Châu Hữu Danh đăng trên Facebook có nhiều bình luận tiêu cực. Vì vậy, Danh đã xóa 4 bài. Riêng 32 bài viết còn lại, Danh khai phần lớn là tự tổng hợp từ các báo và đưa nhận định chủ quan của mình vào.
Ngoài ra, Danh cũng thừa nhận đã nhận định, viết bài có nội dung không đúng về cây xăng của một nguyên lãnh đạo UBND TP Cần Thơ. Đối với những bài viết được xác định là sai, bị cáo nhận sai, xin lỗi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cái sai của mình.
200 bài viết về vụ án Hồ Duy Hải
Trương Châu Hữu Danh khai tại tòa đã viết khoảng 200 bài về vụ án Hồ Duy Hải nhưng chủ yếu đăng trên Facebook cá nhân. "Bị cáo là một trong những người đến hiện trường vụ án Hồ Duy Hải sớm nhất. Nhà bị cáo cách hiện trường vụ án khoảng 10 km. Giai đoạn đầu, bị cáo đưa tin theo cơ quan điều tra. Nhưng bị cáo cũng thu thập thêm nhiều thông tin, nguồn tin khác nhau. Bị cáo theo đuổi vụ án này đến nay đã 13 năm" - Danh nói.
CLIP: Xét xử Trương Châu Hữu Danh và các bị cáo nhóm "Báo Sạch"
Theo Trương Châu Hữu Danh, "bản thân bị cáo vẫn luôn luôn tin tưởng vào nền tư pháp nên mới phản biện vấn đề về vụ án Hồ Duy Hải. Bị cáo thấy có những vụ việc cần phải được làm sáng tỏ. Không chỉ bị cáo, trong vụ án này đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều… Bị cáo không hề có tư tưởng viết bài về Hồ Duy Hải là để "đánh" vào nền tư pháp".
Trả lời HĐXX về các tài liệu trong vụ án Hồ Duy Hải có đóng dấu "Mật", Trương Châu Hữu Danh khai: "Có nhiều người gửi tài liệu đến nhà bị cáo. Bị cáo không biết ai là người gửi, nguồn tin họ giấu". HĐXX hỏi thêm: "Gửi thẳng đến nhà bị cáo luôn à?". Hữu Danh nói: "Dạ, đúng. Bây giờ họ gửi rất dễ. Họ cứ giao cho shipper là đưa tới nơi, mình không biết là của ai...".
Trương Châu Hữu Danh cũng nói thêm trong quá trình viết bài đăng trên Facebook cá nhân và trang "Báo Sạch" thì không nhận tiền. Song, khi làm truyền thông và tư vấn doanh nghiệp thì nhóm của Trương Châu Hữu Danh có nhận tiền.
Phiên tòa vẫn đang diễn ra. Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật.
Ngoài vụ việc tại Cần Thơ, theo cáo trạng, Trương Châu Hữu Danh còn viết và đăng trên Facebook 49 bài liên quan đến các tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương khác, thu hút rất nhiều lượt thích, bình luận, chia sẻ.
Năm 2019, Danh cùng Bảo, Nhã, Thắng, Giang và 2 người khác lập Fanpage "Báo Sạch", nhóm "Làm Báo Sạch". Trung Bảo là người khởi tạo Fanpage "Báo Chí Sạch", khoảng một tháng sau, các thành viên góp ý đổi tên thành "Báo Sạch".
Bài viết đầu tiên của "Báo Sạch" về vụ việc liên quan Công ty Asanzo, theo hướng bảo vệ Asanzo. Chính những bài viết về Asanzo đã gây mâu thuẫn trong nội bộ nhóm "Báo Sạch". Hai thành viên tự động rời "Báo Sạch". Từ đây, "Báo Sạch" còn lại 5 thành viên.
Fanpage "Báo Sạch" đăng tổng cộng 47 bài viết, trong đó có 26 bài được các thành viên thảo luận, thống nhất trước khi đăng. Fanpage "Báo Sạch" đăng tải nhiều bài liên quan những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm như vụ án Hồ Duy Hải, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cưỡng chế tại Gia Trang Quán…
Khi hay tin Hữu Danh bị Công an TP Cần Thơ bắt, các thành viên trong nhóm đã tự động rời nhóm. Riêng Thắng là người trực tiếp thực hiện thao tác xóa Fanpage "Báo Sạch".
VKS nhận định hành vi mà các bị can thực hiện đã trực tiếp xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, gây ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước, quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định về lòng tin trong nhân dân, tạo ra sự bất ổn trong xã hội
Theo cáo trạng, các bị cáo trong vụ án thông qua hoạt động trang "Báo Sạch" đã nhận tiền để làm truyền thông, quảng cáo cho 8 doanh nghiệp, đối tác ở nhiều địa phương khác nhau, tổng cộng hơn 2,8 tỉ đồng.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ còn phát hiện và thu giữ 9 văn bản có đóng dấu "Mật", 1 văn bản đóng dấu "Tối Mật" và 1 văn bản không đóng dấu "Mật" nhưng có nội dung ghi là "Tài liệu Mật". Khi khám xét nhà của Danh, công an phát hiện, thu giữ 4 tài liệu liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, trong đó có 3 tài liệu đóng dấu "Mật" và 1 tài liệu đóng dấu "Tối Mật"…
Bình luận (0)