Ngày 24-6, TAND, VKSND và Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS) tỉnh Bình Phước tổ chức kiểm điểm trách nhiệm vì đã để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm trong công tác THAHS.
Thoát chấp hành hình phạt
Theo đó, cơ quan chức năng phát hiện có tình trạng TAND phải ra quyết định THAHS nhưng chưa ra quyết định THA và có quyết định THA nhưng chưa được thi hành dẫn đến hết thời hiệu THA. Từ đó, người bị phạt tù không phải chấp hành án phạt.
Cụ thể, tại TP Đồng Xoài, cơ quan chức năng phát hiện Lê Thanh Tâm (trú phường Tân Bình) bị kết án 3 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" từ năm 2011, theo bản án phúc thẩm của TAND TP HCM. Ngày 19-3-2012, TAND thị xã Đồng Xoài (nay là TP Đồng Xoài) ra quyết định THA nhưng chưa thi hành. Theo quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự tại Bộ Luật Hình sự, sau 5 năm kể từ ngày kết án mà chưa THA, Lê Thanh Tâm không phải chấp hành bản án đã tuyên.
Ngoài trường hợp nêu trên, cũng phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", Nguyễn Thanh Phú (ngụ phường Tân Phú, TP Đồng Xoài) bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt 12 tháng tù giam từ năm 2013. Cùng năm 2013, TAND TP Đồng Xoài đã ra quyết định THAHS đối với ông Phú nhưng không thực hiện dẫn đến hết thời hiệu.
Tương tự, tại huyện Hớn Quản cũng phát hiện 2 trường hợp khác phạm tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" và tội "Cố ý gây thương tích", đều bị kết án từ năm 2012 nhưng không THA, đến nay đã hết hiệu lực thi hành. Ngoài ra, tại huyện Bù Gia Mập có 3 trường hợp khác hết thời hiệu THA do chưa ra quyết định THA và ủy thác THA đến nơi khác nhưng không gửi.
Ai chịu trách nhiệm?
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) cho biết quy trình từ xét xử đến thi hành một bản án được thực hiện nghiêm ngặt, qua nhiều khâu giám sát. Cụ thể, thẩm phán sau khi ra bản án phải gửi xuống bộ phận văn phòng của tòa án, nơi đây sẽ chuyển bản án đến bộ phận THA của tòa. Đối với bản án dân sự, phòng THA dân sự của tòa sẽ ra quyết định THA rồi chuyển cho cơ quan THA thực hiện. Đối với bản án hình sự, bộ phận THA sẽ ra quyết định THA rồi chuyển cơ quan điều tra đi THAHS tòa tuyên. "Hàng chục năm tham gia xét xử, tôi thấy TAND TP HCM chưa bao giờ có trường hợp nào bị quên THA" - bà Thủy nói.
Còn theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), trong trường hợp này, trách nhiệm sẽ thuộc về tòa án. Bởi tòa án là cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định THA và gửi cho cơ quan THA, khi đó cơ quan THA mới có cơ sở tổ chức thi hành. Việc tòa án "quên" không ban hành quyết định THA là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc về cơ quan THAHS - chủ thể có thẩm quyền trực tiếp trong công tác tổ chức thi hành, thực thi các bản án, quyết định có hiệu lực mà tòa án đã giao. Trường hợp tòa án đã có quyết định THA và chuyển cơ quan THA nhưng cơ quan này không thực hiện các thủ tục để thi hành là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Không THA", có thể bị phạt từ cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, tối đa là 10 năm tù" - luật sư Võ Đan Mạch phân tích.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, để đề cao tính nhân đạo và giải quyết theo hướng có lợi cho người bị kết án, trong nhiều trường hợp khi hết thời hiệu phải THA, nếu người phạm tội không thuộc các trường hợp như: thực hiện tội phạm mới; cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã mới trong thời hạn THA… thì đương nhiên sẽ không phải chấp hành hình phạt.
Bình luận (0)