Theo đó, tại Hội nghị thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức sáng nay (8-1), Tỉnh ủy Bình Dương đã thông tin về vụ việc ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát liên quan đến sai phạm đất đai ở thị xã Bến Cát đang trong giai đoạn xét xử.
Về nghi vấn ông Nguyễn Hồng Khanh bị khởi tố do bị trù dập sau khi ông Khanh làm đơn tố cáo cán bộ lãnh đạo tỉnh, ông Bùi Hữu Toàn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định nghi vấn này không có cơ sở, ông Khanh bị khởi tố vì sai phạm của mình.
Tỉnh ủy Bình Dương cũng khẳng định không có việc phân biệt đối xử giữa ông Khanh và ông Trương Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Thị xã Bến Cát. Ông Dũng hiện làm lãnh đạo 1 phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Bình Dương. Trước đó, nhiều thông tin cho rằng giữa ông Dũng và ông Khanh có bất đồng, cả hai sau đó đều bị tỉnh khiển trách nhưng rốt cuộc ông Khanh bị khởi tố, ông Dũng lại được chuyển qua công tác tại cơ quan công an. Ông Bùi Hữu Toàn cho rằng ông Dũng chuyển qua ngành công an là phù hợp vì trước đây, ông Dũng công tác trong ngành công an. Riêng ông Khanh bị xử lý hình sự do cơ quan điều tra phát hiện những vi phạm của ông này và khởi tố.
Ông Nguyễn Hồng Khanh tại phiên tòa sáng 4-11
Trước đó, sáng 4-11, TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Hồng Khanh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí".Ngoài ông Khanh, còn có một số cán bộ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Sài Gòn), cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát, cán bộ UBND xã An Tây cũng bị xét xử.Phiên tòa sau đó bị hoãn theo đề nghị của luật sư do lời khai của bà Hiệp với cơ quan chức năng của Mỹ theo hình thức ủy thác tư pháp chưa được dịch ra tiếng Việt.
Họp báo ở Bình Dương
Theo cáo trạng, vào năm 2005- 2008, bà bà Hồ Thị Hiệp, giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Thương mại An Tây (Công ty An Tây) vay của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn 72 tỉ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm 20 ha đất, nhà xưởng, định giá tài sản vào khoảng 80 tỉ đồng. Đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Họp báo ở Bình Dương
Thời điểm này, một số cán bộ ngân hàng đã giao tài sản thế chấp lại cho bà Hiệp tự bán, người mua là ông Nguyễn Hồng Khanh và thành viên gia đình. Từ năm 2012 đến năm 2015, ông Khanh và bà Hiệp (thông qua cán bộ ngân hàng) đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng ông Khanh mua được hơn 18 ha đất mà bà Hiệp cầm cố tại BIDV. Cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng vụ mua bán này là sai quy định, quy trình xử lý tài sản thế chấp. Theo kết luận định giá toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỉ đồng nhưng ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, diện tích 1.689m2 đất trị giá 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo (con bà Hiệp) thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn cũng được để cho bị cáo Khanh quản lý, sử dụng.
Bình luận (0)